e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Liệu BRICS có thể chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ?

18:08 | 27/07/2018 Print
Liệu 5 nước thành viên trong BRICS có thể tạo thành một lực lượng hiệu quả để đối phó những tác động của chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ hay không lại phụ thuộc vào việc các nước này thúc đẩy mối quan hệ gần gũi với nhau ở mức độ nào?

Donald Gasper – Nhà phân tích và bình luận Hong Kong chia sẻ trên tờ South China Morning Post ngày 26/7 rằng, vấn đề chính sách thương mại của Mỹ bao trùm các cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Tuy nhiên, liệu 5 nước thành viên này có thể tạo thành một lực lượng hiệu quả để đối phó những tác động của chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ hay không lại phụ thuộc vào việc các nước này thúc đẩy mối quan hệ gần gũi với nhau ở mức độ nào.

Các nhà lãnh đạo BRICS gặp mặt tại Trung Quốc

Mối đe dọa của một cuộc chiến thương mại toàn cầu là chủ đề chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - BRICS hôm thứ 4 (25/7) khi căng thẳng leo thang về thuế quan và thương mại và sự đột biến về chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ do Mỹ khơi mào.

Từ viết tắt BRIC lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2001 bởi cựu chủ tịch của tổ chức quản lý tài sản Goldman Sachs Jim O'Neill như một cách để nhóm lại với nhau Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, các quốc gia ở một giai đoạn phát triển tương tự mà theo quan điểm của ông hứa hẹn sẽ trở thành khối kinh tế lớn mạnh trong tương lai. Nam Phi đã gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi này 9 năm sau, dẫn đến tên mới BRICS - một động thái bị O’Neill chỉ trích vì nền kinh tế của nó nhỏ hơn so với Nigeria và tốc độ tăng trưởng của nó quá thấp.

Thế nhưng, Jakkie Cilliers, Giám đốc Chương trình Cải tiến và Tương lai châu Phi thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi, gần đây bình luận trên tờ Deutsche Welle rằng, kinh tế không phải là tất cả. “Đó còn là định hướng chính sách đối ngoại và vấn đề đối nội của từng nước thành viên”, Cilliers nói.

Hội nghị thượng đỉnh trong tháng này, đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập nhóm chính thức, diễn ra tại Nam Phi, nước giữ chức chủ tịch của BRICS năm nay. Đất nước giàu tài nguyên này chính là chìa khóa để giải quyết thâm hụt năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ và Trung Quốc và nó đã chứng tỏ mình là một cửa ngõ tuyệt vời tới châu Phi cho các thành viên BRICS khác.

Giới phân tích cho rằng, chính sách thương mại mới nhất của Mỹ có khả năng tạo động lực mới cho BRICS. Ông Kenneth Creamer, nhà kinh tế học tại Đại học Wits của Johannesburg nhận định: "Các thỏa thuận thương mại giữa hiệp hội các nước như BRICS đang trở nên ngày càng quan trọng, trong bối cảnh Mỹ đang chủ mưu tạo ra các rào cản tư lợi và thiển cận đối với thương mại".

Chủ đề chính thức của Hội nghị thượng đỉnh là “BRICS ở Châu Phi: hợp tác phát triển toàn diện và thịnh vượng chung trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”. Tuy nhiên, theo Maxim Oreshkin, Bộ trưởng Kinh tế Nga, Hội nghị này có khả năng phần lớn tập trung vào cách thức đối phó những chính sách mới nhất của Mỹ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính BRICS hồi đầu năm nay, các nước thành viên đã nhất trí "cùng chống lại chế độ bảo hộ thương mại".

Có một vài cách mà các nước BRICS cần làm để tăng cường hợp tác. Về hợp tác thương mại, Giám đốc Viện các vấn đề quốc tế của Trung Quốc Wang Yiwei phàn nàn về trao đổi thương mại nội khối hiện vẫn ở mức thấp đồng thời khuyến nghị các nước cần tận dụng sáng kiến “Vành đai và Con đường” để thúc đẩy hợp tác trong khả năng sản xuất, qua đó mở rộng thương mại và trao đổi thương mại.

Trong một bài viết trên tờ China Daily, ông Wang Yiwei cho rằng các thành viên BRICS hiểu về phương Tây nhiều hơn họ hiểu về nhau. Vì vậy, các nước thành viên cần mở rộng trao đổi và giao lưu nhân dân để thu được lợi ích tối đa của nhau. Theo ông, các nước BRICS hiện chưa có cơ chế hợp tác thống nhất và hiệu quả. Việc xây dựng một cơ chế như vậy sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng của khối này trong cộng đồng quốc tế.

Trong vòng hơn 10 năm qua, tỷ trọng tăng trưởng kinh tế của BRICS tăng từ 12% lên 23,6% trong nền kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán con số này có thể tăng lên 26,8% đến năm 2022. Khối này chiếm 41% dân số trên toàn thế giới vào năm 2015 và hiện tại đại diện cho một nửa tăng trưởng toàn cầu.

“Tổng hợp các nền kinh tế BRICS vẫn đang trên đà đuổi kịp quy mô của G7 trong khoảng từ năm 2035 đến 2040”, là nhận định của Jim O’Neill, Tân chủ tịch Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hoàng Gia Anh.

Ông Jakkie Cilliers cho biết BRICS vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng tầm ảnh hưởng của G7 đối với G20.

Tất nhiên, phần lớn tăng trưởng của BRICS là do sự tăng trưởng cực kỳ thành công của nền kinh tế Trung Quốc, với quy mô lớn hơn gấp đôi so với bốn quốc gia khác cộng lại. Song 4 thành viên còn lại đều đang trên đà phát triển. Đáng kể là Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng GDP có thể hơn 7% trong vòng 10 năm tới và thậm chí có thể là 10% nếu thực hiện các cải cách về cấu trúc.

Trong khi đó, Brazil và Nga đã vực dậy sau suy thoái từ năm 2017, khi mà giá hàng hóa bắt đầu tăng trở lại. Dù gặp phải khó khăn trong vài năm qua, Brazil vẫn là nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới và Nga có thể đứng thứ 11. Mặc dù vậy, O’Neill cho rằng, các nước này vẫn cần thực hiện các chính sách để nền kinh tế phát triển bền vững và năng động hơn./.

Như Quỳnh (Dịch)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư