e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Tình hình Campuchia và quan hệ kinh tế với Việt Nam năm 2018

16:06 | 05/02/2019 Print
Trong năm 2018, quan hệ Việt Nam - Campuchia phát triển tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Để tiếp tục đạt được những kết quả mới và thực chất, đưa kinh tế trở thành trụ cột vững chắc của quan hệ hai nước, Việt Nam và Campuchia cần dành ưu tiên cao và nỗ lực hợp tác hơn nữa.

TÌNH HÌNH KINH TẾ CAMPUCHIA NĂM 2018

Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Tài chính Campuchia, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đạt 7,3%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.563 USD; Tỷ lệ lạm phát ở mức 3,4%; Tỷ giá hối đoái ở mức 4.050 Riel/1 USD. Về cơ cấu, ngành nông nghiệp ước tính tăng trưởng 1,8%, công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ nhất 9,6% và dịch vụ tăng trưởng 7%.

Có được những kết quả trên là nhờ các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2018 luôn được Campuchia triển khai cụ thể theo các giải pháp sau: (i) Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 7,1%-7,3% một cách bền vững và liên tục; (ii) Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động thông qua các dự án đầu tư, đặc biệt là việc làm đối với lứa tuổi thanh niên; (iii) Đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo, phấn đấu mỗi năm tỷ lệ này giảm 1%, đồng thời ưu tiên phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; củng cố và quản lý tốt môi trường, tài nguyên thiên nhiên; (iv) Nâng cao năng lực hành chính công của các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn; (v) Tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất, chế biến hàng hóa, dự án thân thiện với môi trường, đơn giản thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, thương mại, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kết quả nổi bật của một số ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

Về nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Campuchia khi có gần 75% dân số sống ở vùng nông thôn và là nông dân. Năm 2018, Campuchia đã gieo trồng lúa vụ mưa được 2.728.079 ha, đạt 104,52% so với kế hoạch; diện tích gieo trồng được cày bừa bằng cơ giới đạt 96,42% và cày bừa bằng trâu, bò đạt 3,58%. Đặc biệt, tại Hội nghị gạo quốc tế lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội năm 2018, gạo thơm Campuchia lần thứ 4 đạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Về công nghiệp và năng lượng

Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp, tính đến ngày 30/6/2018, Campuchia có 1.585 nhà máy, xí nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 1.011.146 người lao động.

Ngày 17/12/2018, Thủ tướng Samdech Hun Sen đã khánh thành Nhà máy thủy điện hạ Sesan 2. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất của Campuchia với công suất 400MW, vốn đầu tư khoảng 816 triệu USD theo hình thức BOT do 3 công ty đầu tư là Hydro Lancang International Energy (Trung Quốc), Công ty Roral Group Campuchia và Công ty Cổ phần EVN Quốc tế (Việt Nam). Việc Nhà máy thủy điện hạ Sesan 2 hòa vào lưới điện quốc gia sẽ cung cấp điện cho các tỉnh Stung Treng, Kampong Cham, Kratie, Modulkiri, Ratanakakiri và Tboung Khmum.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác dầu mỏ tại Lô A của Campuchia đã có những bước tiến đáng chú ý: ngày 23/8/2017, Công ty KrisEnergy đã chính thức ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ tại Lô A với Bộ Mỏ, Năng lượng; ngày 11/11/2018, KrisEnergy ký hợp đồng với Công ty Keppel – Shipyard về việc nâng cấp xà lan sản xuất đối với khu vực phát triển giếng dầu mỏ Apsara thuộc Lô A, giá trị hợp đồng khoảng 21,7 triệu USD.

Về xây dựng

Sự tăng trưởng của ngành xây dựng là một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân Campuchia. Theo báo cáo của Bộ Quản lý đất đai, Quy hoạch và Xây dựng, năm 2018, Campuchia đã cấp giấy phép xây dựng cho 2.876 dự án, trị giá 5.228 triệu USD; thu phí xây dựng các loại nộp ngân sách quốc gia được 97,6 triệu USD. Ngoài ra, diện tích xây dựng khác phục vụ các dự án công cộng tăng 494,2%; diện tích dự án xây dựng tăng 426,9%; diện tích dự án đầu tư tăng 94,3% và diện tích dự án thương mại tăng 11,9%; khối lượng vật tư phục vụ lĩnh vực xây dựng cũng tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Về du lịch

Campuchia có ba địa danh được công nhận Di sản văn hóa thế giới, đó là Khu di tích Angkor Wat, Đền Preah Vihear và Khu vực khảo cổ Sambor Prei Kuk, tỉnh Kong Pong Thom. Theo Bộ Du lịch Campuchia, 10 tháng đầu năm 2018, nước này đón 4.829.403 du khách nước ngoài, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đứng đầu là du khách đến từ Trung Quốc; tiếp theo là Việt Nam, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc... Ước tính, năm 2018, doanh thu ngành du lịch đạt 4 tỷ USD.

Về đầu tư

Trong 11 tháng đầu năm 2018, Hội đồng Phát triển Campuhia (CDC) và Ủy ban Quản lý các khu Kinh tế đặc biệt của Campuchia đã cấp phép 230 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tăng 58 dự án (bao gồm cả dự án cấp mới, dự án mở rộng, dự án trong khu kinh tế đặc biệt) với tổng vốn 6.388 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2017 và tạo 200.000 việc làm mới. Trong đó, có 157 dự án đầu tư ở khu vực ngoài khu kinh tế đặc biệt với tổng vốn 5.688 triệu USD; 73 dự án đầu tư ở trong khu kinh tế đặc biệt với vốn đầu tư 699 triệu USD (Bảng). Các nhà đầu tư chính vào Campuchia trong 11 tháng năm 2018 có thể kể đến, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia…

Bảng: Dự án đầu tư phân theo khu kinh tế 11 tháng năm 2018

Khu vực đầu tư dự án

11 tháng/2016

11tháng/2017

11 tháng 2018

Dự án

Vốn (USD)

Dự án

Vốn (USD)

Dự án

Vốn (USD)

Ngoài khu kinh tế đặc biệt

110

2.858.123.176

126

5.798.650.699

157

4.688.419.082

Trong khu kinh tế đặc biệt

39

280.010.833

46

449.457.789

73

699.631.100

Tổng cộng

149

3.138.134.009

172

6.248.108.488

230

6.388.050.182

Nguồn: Hội đồng phát triển Campuchia

Về thương mại

Theo thống kê của Bộ Thương mại Campuchia, năm 2018, kim ngạch xuất - nhập khẩu ước đạt 26,596 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,160 tỷ USD, tăng 12,8% và nhập khẩu đạt 14,436 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017; nhập siêu 2,276 tỷ USD. Tính trung bình mỗi tháng, giá trị xuất - nhập khẩu đạt 2,216 tỷ triệu USD.

QUAN HỆ THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ GIỮA VIỆT NAM – CAMPUCHIA

Là hai nước láng giềng, có chung 1.137km đường biên giới, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, quan hệ thương mại hai nước đã có truyền thống từ lâu đời. Với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, hai nước đã thông qua các cơ chế phối hợp thường xuyên, luân phiên của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật; Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, thương mại; Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới... từ đó đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Cụ thể:

Về thương mại

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam – Campuchia trong 11 tháng năm 2018 đạt 4.296 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia đạt 3.393 triệu USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Trung bình một tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia 308 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Campuchia đạt 904 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ 2017. Trung bình một tháng, Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam 82 triệu USD.

Ước tính năm 2018, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD vào những năm tới.

Có thể khẳng định rằng, Campuchia là thị trường mà cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam với Campuchia luôn ở trạng thái xuất siêu. Năm 2017, giá trị xuất siêu là 1,76 tỷ USD, thì trong 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất siêu tiếp tục ở mức cao, lên đến 2,49 tỷ USD, tương đương 73,3% trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia.

Tính chung 11 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia xếp thứ 3 trong khối ASEAN và xếp thứ 15/80 trong tổng số các nước trên thế giới mà Việt Nam xuất khẩu. Có 27/28 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Campuchia có kim ngạch tăng cao và 1/28 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2017, đó là nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện đạt 19 triệu USD, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, thị trường Campuchia xếp thứ 4/10 trong ASEAN và 25/80 trong tổng số các nước trên thế giới mà Việt Nam nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Campuchia trong 11 tháng 2018, bao gồm: Hạt điều 307 triệu USD; Cao su 103 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ 96 triệu USD; Nguyên phụ liệu thuốc lá 8,5 triệu USD; Phế liệu sắt thép 21,6 triệu USD; Nông sản và sản phẩm khác 368 triệu USD.

Về đầu tư

Đến hết tháng 11/2018, Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 210 dự án đầu tư tại Campuchia. Trong số đó, 174 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3 tỷ USD, quy mô trung bình đạt 14 triệu USD/dự án.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia tổ chức ngày 06/12/2018 ở Hà Nội, thì vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đạt khoảng 1,5 tỷ USD (đạt tỷ lệ 50%). Campuchia hiện đứng thứ 2 trong tổng số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Campuchia, tính đến nay, nước này có 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 64,67 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, vận tải kho bãi…

Nhìn chung, các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã triển khai tốt, tập trung vào hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của Campuchia. Trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp với 54 dự án, số vốn đăng ký 2,12 tỷ USD (chiếm 70% tổng vốn đăng ký). Hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm có 7 dự án, với vốn đăng ký là 334,1 triệu USD (chiếm 11% tổng vốn đăng ký); thông tin truyền thông có 13 dự án, với vốn đăng ký là 202,3 triệu USD (chiếm 6,7% tổng vốn đăng ký). Các dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực khoáng sản, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất - nhập khẩu, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí và các dịch vụ khác.

TRIỂN VỌNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Nhìn chung, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng phát triển, đạt được những kết quả đáng kể. Campuchia luôn là thị trường được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm và là thị trường thương mại tiềm năng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen tại Việt Nam, ngày 06/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia nhằm đưa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia lên tầng cao mới, tương xứng với quan hệ và tiềm năng của mỗi nước. Tại Diễn đàn này, Thủ tướng Hun Sen đã đưa ra thông điệp về định hướng, chính sách ưu tiên hợp tác đầu tư với Việt Nam, để doanh nghiệp hai nước trao đổi, thảo luận, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước. Đồng thời, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai nước kiến nghị các vướng mắc đến Chính phủ hai nước.

Để nâng cao kim ngạch thương mại và hiệu quả đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới, hai nước thống nhất triển khai hiệu quả Thỏa thuận khung về kết nối hai nền kinh tế (ký năm 2017), chú trọng kết nối các tuyến giao thông vận tải, điện năng, du lịch, viễn thông, ngân hàng… sớm đưa chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, huyện Menot, tỉnh Tbong Khmum, giáp cửa khẩu Tân Lập tỉnh Tây Ninh vào sử dụng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối tại các cửa khẩu, sớm triển khai đầy đủ trên thực tế mô hình “Kiểm tra hàng hóa một cửa một lần dừng” tại cửa khẩu Mộc Bài - Bavet. Tích cực trao đổi cụ thể để khớp nối nhu cầu hợp tác, phát triển của Campuchia đã đề ra trong “Chiến lược Tứ giác” với những khả năng, thế mạnh của Việt Nam.

Đồng thời, nỗ lực đề ra những cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia và ngược lại.

Ngoài ra, hiện nay, hàng hóa tại Campuchia chủ yếu là hàng của Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức và tham gia Hội chợ triển lãm tại Campuchia là rất cần thiết, nhằm tăng khả năng phát triển mạng lưới phân phối và giới thiệu sản phẩm với người dân Campuchia. Đồng thời, tăng cường khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam với hàng Thái Lan và hàng Trung Quốc tại thị trường Campuchia./.

Lê Minh Điển - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư