Ngành Giao thông Vận tải: Hoàn thành kế hoạch nhiều mục tiêu

09:16 | 20/01/2015 Print
- Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, song năm 2014 được cho là một năm thành công đối với ngành Giao thông Vận tải. Theo đó, nhiều mục tiêu được hoàn thành với chất lượng và hiệu quả cao.

Dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp

Năm 2014, Bộ đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là thực hiện thành công IPO Tổng công ty Hàng không Việt Nam, hoàn thành cổ phần hóa 10 Công ty mẹ - Tổng công ty thuộc Bộ (Tổng công ty: Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Vận tải thủy).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã được cải thiện, phát triển, bảo đảm đời sống việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội và người dân ghi nhận. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực, bảo đảm tiến độ, theo sát mục tiêu của đề án tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu đầu tư công cũng được Bộ chú trọng, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, một trong 3 khâu đột phá chiến lược, được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực Giao thông Vận tải.

Tiến độ và chất lượng các công trình, dự án đầu tư xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục chuyển biến tích cực. Với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay hầu hết các công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ vượt yêu cầu, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng.

Năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần, năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010 (năm 2012 đứng vị trí thứ 90, năm 2010 Việt Nam đứng vị trí 103). Công tác huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác giải ngân các nguồn vốn, quyết toán các dự án hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 đạt 11.536,3 tỷ đồng, vượt 4,9% kế hoạch năm và tăng 18,8% so với năm 2013; doanh thu đạt 13.940,9 tỷ đồng, vượt 18,6% kế hoạch năm và tăng 56,9% so với năm 2013. Trong đó:

(1) Công nghiệp ô tô: giá trị sản xuất đạt 5.816,8 tỷ đồng, vượt 10,1% kế hoạch năm và tăng 33,7% so với năm 2013; doanh thu đạt 6.299 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm và tăng 59,9% so với năm 2013. Sản phẩm chủ yếu: sản xuất 6.930 xe chở khách, xe buýt, xe tải các loại.

(2) Công nghiệp tàu thủy: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.719,5 tỷ đồng, vượt 0,1% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với năm 2013; doanh thu đạt 7.641,9 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch năm và tăng 72,7% so với năm 2013. Hoàn thành, bàn giao 76 tàu các loại.

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Năm 2014 (tính từ ngày 16/12/2013 đến ngày 15/12/2014), cả nước xảy ra 25.322 vụ, làm chết 8.996 người, làm bị thương 24.417 người. So với năm 2013, giảm 4.063 vụ (-13,8%), giảm 373 người chết (-4%), giảm 5.083 người bị thương (-17,2%).

Công tác đăng kiểm phương tiện được chú trọng và tăng cường. Năm 2014, đã loại bỏ 16.488 xe hết niên hạn sử dụng; qua công tác kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển, tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài giảm còn 3,49% (năm 2013 là 6,13%) và Đội tàu biển Việt Nam đã thoát ra khỏi Danh sách đen của Tokyo-MOU.

Bên cạnh đó, công tác giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ như: đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị, đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt, chú trọng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh, triển khai xây dựng các tuyến buýt nhanh, Đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố, điều tiết giữa các phương thức vận tải… để từng bước giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông.

Mục tiêu năm 2015

Trong năm 2015, ngành Giao thông Vận tải dự kiến phấn đấu tăng trưởng bình quân 5% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2014.

Hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến 86.636,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 6.498 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ 37.708,9 tỷ đồng, ngoài ngân sách nhà nước: 41.980 tỷ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cơ bản hoàn thành các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5%-10% so với năm 2014 trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách; giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Bên cạnh đó, ngành Giao thông Vận tải sẽ hoàn thành cổ phần hóa 14 doanh nghiệp 02 Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Hàng không Việt Nam; 02 Công ty con của Vinalines, 07 công ty con của SBIC; Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, 01 công ty con của Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hải hải miền Bắc, 01 công ty thuộc Bộ.

Triển khai thực hiện cổ phần hóa 29 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp Gồm: 03 Công ty mẹ - Tổng công ty: Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, SBIC; 01 công ty con của VEC, 24 công ty con của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 01 Công ty con của Vinalines, các đơn vị sự nghiệp là các Bệnh viện, Trung tâm y tế thuộc Cục Y tế Giao thông Vận tải./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư