Đồng Nai tự hào có hai huyện đầu tiên của cả nước đạt danh hiệu Huyện NTM

07:56 | 25/01/2015 Print
- Huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai là hai huyện đầu tiên của cả nước vinh dự đón nhận danh hiệu này sau hơn 4 năm cả nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM.

Sáng 24/1/2015, tại tỉnh Đồng Nai, Ban chỉ đạo Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới và tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ trao danh hiệu huyện nông thôn mới đối với huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh.

Tham dự buổi Lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương trên cả nước.

Thủ tướng trao bằng Công nhận và khen thưởng cho 2 huyện

Đến năm 2020, Đồng Nai hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, thị xã Long Khánh có 100% số xã đạt chuẩn và huyện Xuân Lộc hiện có 12/14 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm 85,7%).

Đặc biệt, Xuân Lộc và Long Khánh đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xác định được sản phẩm chủ lực, hỗ trợ mô hình sản xuất hiệu quả và vùng sản xuất tập trung.

Tại Xuân Lộc đã hình thành các vùng chuyên canh, như: xoài, tiêu, ngô, cây ăn trái đặc sản, nhân rộng mô hình trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao giúp đạt giá trị sản xuất bình quân 115,5 triệu đồng/ha.

Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 75%, gần 91% lao động có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7% xuống còn 1%.

Trong khi đó, tại huyện Long Khánh, sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6,1%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đạt 170 triệu đồng - mức cao nhất toàn tỉnh. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 38,6 triệu đồng/người/năm, tăng 2,13 lần so với năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,84%.

Điều đáng mừng là, xây dựng nông thôn mới ở Xuân Lộc và Long Khánh không chỉ đơn thuần là hoàn thành các tiêu chí đề ra mà còn tạo cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn cho người dân. Người nông dân đã thực hiện được “4 xóa” là xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xóa vườn tạp, độc canh; xóa tư tưởng lạc hậu và xóa nghèo.

Không chỉ có hai huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới , mà Chương trình Xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai đạt được những thành tựu to lớn.

Từ 39 chỉ tiêu mà Trung ương đưa ra (thuộc 19 tiêu chí nông thôn mới), Đồng Nai còn cụ thể hóa, phát triển thành 54 tiêu chí. Toàn tỉnh có 52/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 32,8%, gấp gần 4 lần tỷ lệ chung cả nước.

Chương trình nông thôn mới giúp Tỉnh có giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 98,3 triệu đồng/1 ha/1 năm, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 32,6 triệu đồng/1 người/1 năm và giảm hộ nghèo toàn tỉnh từ 6,2% năm 2011 xuống còn 1% năm 2014.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo được nguồn lực lớn với số tiền huy động trong 4 năm thực hiện là gần 63.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp tới 27.000 tỷ đồng (chiếm 43%) và doanh nghiệp đóng góp gần 9.000 tỷ đồng.

Năm 2015, tỉnh phấn đấu có thêm 36 xã (chiếm 38,2% số xã), 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 36 triệu đồng/1 năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 55%.

Phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành Tỉnh hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ

Phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương những thành tựu, kết quả tích cực, ấn tượng mà Đồng Nai đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, trở thành tỉnh đi đầu về xây dựng nông thôn mới mà cụ thể là đến hết năm 2014, sau 4 năm triển khai, Đồng Nai đã có 38,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước mới đạt 8,8%.

Thủ tướng mong muốn, tỉnh Đồng Nai phát huy kết quả, tiếp tục nỗ lực, không chủ quan, thỏa mãn với thành tựu đạt được, phấn đấu trở thành địa phương đi đầu thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng nêu rõ: Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới là nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và hiệu quả; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại ở nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân; xây dựng môi trường sống ở nông thôn xanh, sạch, đẹp; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

“Nếu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thành công yêu cầu này thì cũng chính là cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và cũng là nội dung cụ thể của tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp mà kết quả ở Đồng Nai đã cho thấy rõ” - Thủ tướng nói.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo tỉnh Đồng Nai cũng như các địa phương trong cả nước tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung vào 4 nội dung quan trọng.

Thứ nhất, phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới.

“Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Phải có chương trình, kế hoạch, kiểm tra, đôn đốc, bố trí cán bộ tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của Chương trình; đồng thời cũng cho rằng sự nghiệp xây dựng NTM cũng là sự nghiệp của toàn dân, cho nhân dân, vì nhân dân và người dân là chủ thể.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp chính quyền phải thực sự sâu sát, sáng tạo, có các giải pháp, biện pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn. Trên cơ sở yêu cầu chung, các tiêu chí của Trung ương, các địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa cho sát đúng với thực tế địa phương.

Bên cạnh đó, việc đạt chuẩn không có nghĩa Chương trình đã kết thúc mà phải tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới cao hơn.

Thứ ba, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải thực sự sáng tạo trong việc vận dụng các chính sách, mà Trung ương ban hành cho phù hợp với thực tiễn hết sức phong phú của cuộc sống; đặc biệt là chính sách: ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vào địa bàn nông thôn; chính sách về hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; hỗ trợ dạy nghề cho nông dân; liên kết, hợp tác để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ phù hợp, định hình nhanh hơn quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp.

“Có quyết tâm, ý chí, có chương trình, kế hoạch mà chính sách không tốt, thì chương trình không đi vào cuộc sống được” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thứ tư, Thủ tướng đề nghị địa phương phải chủ động huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội, người dân, không trông chờ từ ngân sách nhà nước, lồng ghép các chương trình, đầu tư không chỉ cho hạ tầng mà còn cho cả phát triển sản xuất; đồng thời yêu cầu phải huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, kinh phí cho xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xin ý kiến các cấp thẩm quyền bổ sung nguồn vốn ngân sách cho Chương trình./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư