Không sớm nâng cao năng lực, ngành mía đường "khó càng thêm khó"

22:28 | 18/05/2015 Print
- Việc xuất, nhập khẩu đường vẫn theo cơ chế xin - cho nên hạn chế sự năng động và tạo sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. Đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan chủ yếu là đường trắng, trong khi năng lực chế biến đường trong nước đang thừa công suất...

Cơ hội ít, thách thức nhiều

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam tổ chức vào ngày18/5, hiện có 42 nhà máy đường đang hoạt động. Niên vụ 2014-2015, tổng diện tích mía nguyên liệu cả nước đạt khoảng 305.000ha (giảm 4.000ha) so với niên vụ trước.

Năng suất mía bình quân cả nước là 65,3 tấn/ha. Tổng sản lượng mía ước đạt 20 triệu tấn tương đương niên vụ trước. Sản lượng mía được ép để chế biến đường khoảng 16 triệu tấn mía, sản xuất được 1.590.470 tấn đường, trong đó đường luyện là 530.000 tấn.

Hầu hết các ý kiến của chuyên gia đều cho rằng, ngành mía đường Việt Nam có sản lượng mía thấp, năng suất, chất lượng đường ép chưa cao vì vậy sức cạnh tranh yếu.

Nguyên nhân quan trọng nhất là do giá mía nguyên liệu cao (chiếm từ 70%-80% giá thành sản xuất đường). Chỉ riêng chi phí cho mía nguyên liệu, Việt Nam đã cao hơn Thái Lan khoảng 2.000 – 3.000đ/kg đường. Điều này xuất phát từ việc do ruộng đất sản xuất nước ta còn manh mún, hạ tầng cơ sở yếu kém; việc áp dụng cơ giới hóa, tưới và các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt rất hạn chế. Năng suất, chất lượng mía thấp và chậm cải tiến, chi phí vận chuyển cao.

Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt, ông Phạm Đồng Quảng, công tác giống mía chưa được quan tâm đúng mức (khoảng 50% giống mía đang trồng phổ biến là giống cũ có trữ đường thấp), thâm canh chưa hợp lý, cơ giới hóa trong sản xuất mía còn thấp (chủ yếu là thu hoạch bằng tay), đặc biệt là khâu thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch còn lớn (giảm 10%/ngày sau khi thu hoạch chưa đưa vào chế biến), công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, quy hoạch và triển khai chưa phù hợp với vùng sản xuất nguyên liệu…

Những nguyên nhân này làm cho năng suất, chất lượng mía nguyên liệu và trữ đường khai thác của Việt Nam còn thấp so với các nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ngành mía đường đang ở trong tình trạng sản xuất cung vượt cầu.

Đường sản xuất trong nước 1,5 triệu tấn, nhưng chỉ tiêu dùng khoảng 1,2 triệu tấn. Mỗi năm 300.000 tấn xuất khẩu tiểu ngạch không ổn định.

Mặt khác, về công nghiệp chế biến, hiện nay, số nhà máy lớn sản xuất đường Việt Nam mới chiếm 1/3 tổng công suất cả nước, còn phần lớn nhà máy ở mức trung bình, một số ít nhà máy có công suất thấp còn giữ thiết bị cũ. Công suất bình quân của các nhà máy đường Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với các nước sản xuất đường lớn nên hiệu quả sản xuất thấp hơn.

Thêm vào đó, quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được các doanh nghiệp quan tâm để tạo nên mối quan hệ hữu cơ gắn bó. Ngoài một số doanh nghiệp có ký kết hợp đồng với các hộ tiêu thụ lớn, còn lại đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường. Việc xuất, nhập khẩu đường vẫn theo cơ chế xin - cho nên hạn chế sự năng động và tạo sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. Đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan chủ yếu là đường trắng, trong khi năng lực chế biến đường trong nước đang thừa công suất. Đường lậu hoành hành với số lượng lớn nhưng không có cơ sở pháp lý thiết thực chống việc kinh doanh đường nhập lậu.

Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, cần gấp rút nâng cao khả năng cạnh tranh thay vì chỉ “núp” dưới hàng rào bảo hộ 5%. "Muốn cạnh tranh với Thái Lan chất lượng đường phải bằng và tốt hơn, giá phải bằng hoặc thấp hơn thì mới chiếm ưu thế." Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát giao cho Viên nghiên cứu Mía đường nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo giống tốt cho nông dân, cần phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện khảo nghiệm chọn lọc giống tốt, tạo giống mới.

Cục Trồng trọt phối hợp với Tổng cục Thủy lợi rà soát và báo cáo hướng dẫn cho nông dân quy trình tưới cho cây mía đạt hiệu quả. Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối đưa ra hướng dẫn quy trình cơ giới hóa đồng bộ. Chậm nhất trước ngày 30/6 tổ chức đánh giá và giải quyết vướng mắc để tiếp tục tháo gỡ.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, tạo điều kiện cho ngành mía đường Việt Nam tiếp tục phát triển, trước hết, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, vùng nguyên liệu cần đáp ứng công suất nhà máy, đảm bảo yêu cầu áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và cơ giới hóa nhằm nâng nhanh năng suất, chất lượng mía.

Quy hoạch phát triển theo hướng chuyển đối giảm diện tích mía trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những ruộng trồng lúa kém hiệu quả. Quy hoạch phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh để có thể thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo nên các cánh dồng mía lớn.

Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa các phế, phụ phẩm của ngành đường để sản xuất các phẩm phụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, thực hiện tốt hai sản phẩm: phân vi sinh từ bã bùn và điện từ bã mía. Đồng thời, hiện nay, các nhà máy có trình độ công nghệ, thiết bị ở mức trung bình, lạc hậu vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh các nhà máy cần tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, áp dụng các thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Về đào tạo nguồn nhân lực, cần tổ chức bồi dưỡng kỹ năng quản trị, nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản nói chung và chế biến đường mía nói riêng. Hỗ trợ các nhà máy đường trong việc đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.

Thêm vào đó, công tác thủy lợi cho cây mía cần được quan tâm thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước; tranh thủ các nguồn vốn và tận dụng địa hình để xây dựng hệ thống hồ đập chứa nước, kênh mương dẫn nước; tận dụng đầu tư sử dụng nguồn nước từ giếng, ao hồ...

Ngoài ra, hàng năm, Hiệp hội Mía đường cần thống nhất phương án giá cả mua trong cả nước đảm bảo người trồng mía có thu nhập đủ để ổn định diện tích mía; bổ sung thêm thành phần nông dân đại diện cho người trồng mía trong Hiệp hội Mía đường./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư