e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Nỗi lo và cái khó nhất của người đứng đầu ngành Nông nghiệp

10:09 | 11/06/2015 Print
- Trước câu chuyện “được mùa mất giá” và tình trạng đầu ra bế tắc của nông sản thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, nỗi lo lớn nhất là tiêu thụ, cái khó lớn nhất là chế biến chưa theo kịp thị trường.

5/10 mặt hàng nông sản xuất khẩu mất giá

Trước câu hỏi chất vấn về tình hình tiêu thụ nông sản của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) sáng ngày 11/06, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát giải thích, việc một số loại nông sản được mùa mất giá xảy ra do nhiều nguyên nhân: Về ngắn hạn là do, sản xuất cung vượt cầu và vướng mắc về thị trường tiêu thụ (năng lực thông quan dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh tháng 04-05/2015; Indonesia dừng nhập khẩu hành tím từ Việt Nam...).

Về dài hạn, Bộ trưởng Phát cho biết, đó là khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, năng lực chế biến và tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp còn thấp và tổ chức sản xuất còn cắt khúc, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, việc nông sản được mùa mất giá còn có nguyên nhân do khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường, hệ thống xúc tiến thương mại, cơ sở vật chất hạ tầng và dịch vụ thương mại nông sản còn yếu kém.

Để khắc phục tình trạng trên, hạn chế ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của nông dân, người đứng đầu ngành Nông nghiệp đưa ra các giải pháp, như: theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, xử lý kịp thời những khó khăn có tính chất tình huống. Cụ thể là phối hợp thực hiện các giải pháp để tăng khả năng thông quan ở các cửa khẩu với Trung Quốc. Đàm phán với Indonesia để tái xuất khẩu hành tím và phối hợp với các nước sản xuất, xuất khẩu cao su thiên nhiên chính để hạn chế tăng nguồn cung, chống đầu cơ ép giá...); điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình thị trường.

Ngoài ra việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm cơ sở khắc phục các nguyên nhân dài hạn nêu trên.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thông tin thêm, trong 10 mặt hàng xuất khẩu nông sản năm nay có 5 mặt hàng mất giá, 5 mặt hàng được giá. “Tôi nghĩ rằng phải bình tĩnh trong mọi tình huống, ví như dưa hấu là khả năng thông quan thấp, còn hành tím ở Sóc Trăng 70% xuất khẩu nhưng khi Indonesia dừng nhập khẩu thì ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng tôi đã sang tận Indonesia, nhưng việc này cần phải có thời gian vì đó là chính sách của nước bạn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Về trách nhiệm của Bộ trưởng khi được mùa mất giá, ông Phát chỉ rõ, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm với năng suất cao hơn nhưng giá thành không cao. Trong phần trả lời, ông Cao Đức Phát không đề cập đến trách nhiệm cá nhân trong vấn đề được mùa mất giá.

Mô hình liên kết “4 nhà” có thất bại?

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đều đặt câu hỏi về liên kết “4 nhà” hiện nay chưa thành công đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, 10 năm qua cả nước đã thực hiện "liên kết 4 nhà" và khá thành công ở một số sản phẩm, như: bò sữa, mía đường. Nhưng, những sản phẩm của nông dân không nhất thiết gắn với nhà máy và thị trường, thì lại liên kết lỏng lẻo hơn.

Qua tổng kết 10 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25/10/2013 về một số chính sách liên kết mạnh mẽ hơn. Theo đó, kết quả là, năm 2014 đã thực hiện với cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, với 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân trên 72.000 ha đất lúa, nhưng chỉ có 45.000 ha thành công, còn lại bỏ cuộc giữa chừng.

Ông Cao Đức Phát nhận định, trong liên kết 4 nhà, doanh nghiệp đóng vai trò chính nhưng chưa thành công, vì doanh nghiệp trong nông nghiệp chiếm khoảng gần 4% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Doanh nghiệp thực sự muốn liên kết có năng lực tài chính, kho bãi, nhà máy chế biến thì không nhiều.

Tại khu vực nông thôn, các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã rất ít nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải liên kết với hàng nghìn hộ nông dân chứ không phải là 1 đơn vị đại diện. Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp.

Ông Phát cho rằng, phải có tiêu chí cánh đồng lớn ở mỗi địa phương và có quy hoạch sản xuất nhưng hiện cả nước có chưa tới 10 tỉnh làm được những việc này.

“Ngoài vận động nhân dân thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp”, ông Phát nói./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư