Năm 2016: Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản tăng 6,3%

22:08 | 20/01/2016 Print
- Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo sẽ đạt khoảng 7,12 tỷ USD.

Năm 2015: bức tranh xuất khẩu ảm đạm

Năm 2015 là một năm khó khăn chung đối với ngành nông nghiệp, ngành thủy sản cũng không nằm ngoài khó khăn đó. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong năm 2015 ước khoảng 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2014.

VASEP nhận định, chưa bao giờ cả ba mặt hàng xuất khẩu thủy sản chính là tôm, cá tra và cá ngừ đều đồng loạt giảm như năm nay.

Chia sẻ về bức tranh xuất khẩu thủy sản không mấy sáng sủa, trong đó mặt hàng giảm sâu nhất là tôm. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định, nếu trong năm 2014, xuất khẩu tôm là điểm sáng duy nhất đem lại kết quả kỷ lục 4 tỷ USD, thì năm 2015 xuất khẩu tôm chỉ đạt con số 3 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2014. Điều này là do đồng tiền của các nước nhập khẩu chính mất giá, đồng tiền của các nguồn cung cạnh tranh với Việt Nam phá giá mạnh, cộng với biến động tỷ giá USD so với các đồng tiền khác (PV, 2016).

Bên cạnh đó, hiện tại hơn 60% giống tôm thẻ chân trắng và 80% thức ăn cho tôm, phải nhập từ nước ngoài khiến giá ở Việt Nam cao hơn các nước khác. Đầu vào cao, nhưng tỷ lệ nuôi tôm thành công đạt thấp, từ đó dẫn đến giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 2USD/kg so các nước nên không cạnh tranh được. Các yếu tố này đã làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trong năm 2015.

Xuất khẩu cá tra cũng nằm trong xu hướng giảm 10,4% so với năm 2014 với giá trị xuất khẩu khoảng 1,58 tỷ USD. Hoa Kỳ và EU là hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất nhưng giá trị xuất khẩu giảm liên tiếp, lần lượt ở mức 317,9 triệu USD và 294,9 triệu USD, tương ứng giảm 5,6% và 14,3% so với năm 2014. Đặc biệt, với Hoa Kỳ, nhu cầu cá tra vẫn cao, song kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá trong đợt POR10 lên tới gần 1 USD/kg khiến doanh nghiệp Việt khó có thể duy trì được thị trường.

Theo các chuyên gia, có sự sụt giảm này là do thị trường tiêu thụ kém, sự biến động giảm giá của các đồng nội tệ của các nước cạnh tranh trong khu vực so với đô la Mỹ. Bên cạnh đó, sự giảm giá của đồng Euro, Yên Nhật cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng thủy sản...

Tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay trong ngành thủy sản vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến sản xuất thủy sản không đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra: Vấn đề thứ nhất là khả năng cạnh tranh của sản phẩm, điều này phụ thuộc vào giá thành và chất lượng. Vấn đề thứ hai là tính bền vững, chúng ta phải làm sao để ứng phó với biến đổi khí hậu, tình hình ô nhiễm môi trường, vì ô nhiễm môi trường sẽ góp phần dẫn tới dịch bệnh

Xây dựng, phát triển chuỗi giá trị - yêu cầu cấp thiết

Theo các chuyên gia, các yếu tố bất lợi của năm 2015 có thể sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, ít nhất là trong nửa đầu năm 2016.

Mặc dù, còn nhiều khó khăn, thách thức, song theo dự báo của VASEP trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,12 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2015. Các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc, cá biển và các hải sản khác sẽ có mức tăng trưởng khá trong năm tới.

Có được dự báo sáng sủa là do từ năm 2016, xuất khẩu thủy sản sẽ được mở rộng cửa hơn, nhờ việc Việt Nam tham gia một số hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Việc tham gia Cộng đồng ASEAN, hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ được ký kết hoặc bắt đầu có hiệu lực, điều này có những tác động tích cực đến ngành hàng thủy sản trong việc gia tăng đầu tư, mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Tuy nhiên, cơ hội từ các FTA mang lại cho ngành thủy sản chỉ mới là bước đầu và doanh nghiệp có tận dụng được hay không là một vấn đề khá lớn. Trong khi đó, những khó khăn do hội nhập đem lại, như: các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, dư lượng kháng sinh, hóa chất, giá thành sản xuất cao… vẫn luôn là thách thức lớn đối với ngành hàng này.

Để thực hiện được mục tiêu trên, TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc “xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản” đang là yêu cầu cấp thiết. Vì với tác động của các FTA hay TPP thì thủy sản Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt do nước ta mới tham gia vào khâu giá trị gia tăng thấp. Việc “xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản” sẽ góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng (Thế Vinh, 2016).

Nhưng muốn phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản bền vững, Chính phủ cần ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển các sản phẩm thủy sản nâng cao giá trị gia tăng, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn cho ngư dân, người nuôi nhằm giảm sự phụ thuộc về tài chính vào thương lái, nậu vựa, tránh tình trạng ép giá.

Mặt khác, cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho xuất khẩu thủy sản, thì phải giảm giá thành, đảm bảo an toàn thực phẩm, trên cơ sở gắn kết chuỗi giá trị xuyên suốt là vấn đề đang được doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong nước quan tâm.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, vấn đề giá thành cần phải tập trung vào cả chuỗi, làm sao tối ưu hóa giá thành của sản phẩm từ khâu con giống thức ăn con giống phân phối cho đến đưa về nhà máy và chế biến để đảm bảo giá thành của mình là cạnh tranh được.

Về an toàn thực phẩm, cần phải có sự chỉ đạo và quản lý xuyên suốt như trong khâu nuôi thì quản lý từ khâu giống thức ăn, trên cơ sở vừa nâng cao nhận thức của người nuôi, mặt khác tạo ra được hệ thống quản lý giảm bớt chi phí và có được hiệu quả trong công tác quản lý thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mới đi vào thực chất.

Nhằm tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, cũng tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2015, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập FTA, TPP và chương trình giám sát cá da trơn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công bố. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ có những sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP, ngày 29/4/2014 về chế biến xuất khẩu cá tra, tăng cường vai trò quản lý, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong nước phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)(2015). Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2015, ngày 26/12/2015, tại TP. Hồ Chí Minh

2. Thế Vinh (2016). Tạo bệ phóng mới cho xuất khẩu thủy sản, truy cập từ http://baodauthau.vn/dau-tu/tao-be-phong-moi-cho-xuat-khau-thuy-san-16223.html

3. PV (2016). Thủy sản 2016: Khó khăn chất chồng, truy cập từ http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/201601/thuy-san-2016-kho-khan-chat-chong-652113/

Lê Thủy

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư