e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Nông dân cần phải làm gì để không "lạc nhịp" trong TPP

21:11 | 16/05/2016 Print
- Tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh những thuận lợi, hơn 10 triệu hộ nông dân Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn do nền nông nghiệp nước ta vẫn hoạt động theo phương thức sản xuất nhỏ lẻ và lạc hậu.

Nông dân: đối tượng dễ bị tổn thương khi gia nhập TPP

TPP là Hiệp định thương mại lớn nhất trên toàn cầu với sự tham gia của 12 thành viên của 3 Châu lục gồm: châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu; 25% thương mại thế giới. Đây cũng là Hiệp định thương mại tự do với những cam kết sâu nhất với 95%-100% dòng hàng hóa có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu…

Theo Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương mại khu vực TPP chiếm khoảng 32% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2014, là thị trường xuất siêu có tốc độ tăng trưởng khá và ổn định trong nhiều năm gần đây. Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu, đặc biệt là đối với nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam.

Không thể phủ nhận những cơ hội của nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập TPP, sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, với nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực được hưởng mức thuế ưu đãi. Đặc biệt, thúc đẩy sự hợp tác, đầu tư của các nước thành viên vào Việt Nam, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp cận được với ứng dụng công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi do TPP đem lại, ngành nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là hơn 10 triệu hộ nông dân Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn do nền nông nghiệp nước ta vẫn hoạt động theo phương thức sản xuất nhỏ lẻ và lạc hậu, đây vốn là đối tượng dễ bị “tổn thương” trong quá trình hội nhập vẫn chưa được trang bị nhiều kiến thức. Điều này dẫn tới năng lực cạnh tranh của một số mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu. Việc không được chuẩn bị kỹ để “hội nhập” sẽ khiến sản phẩm nội địa có thể bị thua ngay trên “sân nhà”.

Mặt khác, khi các nước thực hiện cam kết TPP, đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ. Lúc này, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn. Đây cũng là một trong những điểm yếu đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam…

Xây dựng chuỗi nông sản an toàn để khai thác lợi thế khi hội nhập TPP

Giải pháp nào?

Theo các chuyên gia nông nghiệp, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất đối với người nông dân là phải tuyên truyền để họ hiểu rõ những thời cơ, cũng như thách thức khi gia nhập TPP, để từ đó thay đổi tư duy về sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.Hơn nữa, Hội Nông dân các cấp phải trở thành cầu nối liên kết nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường. Đó cũng là một cách bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân thông qua quan hệ hợp đồng.

Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần tổ chức thêm nhiều chương trình tập huấn, đưa nông dân sản xuất giỏi đi học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp ở các nước tiên tiến. Từ đó phát hiện, nhân rộng những mô hình làm kinh tế tiêu biểu, khuyến khích hộ sản xuất, kinh doanh giỏi…

Tại Hội thảo “Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, ngày 12/5, tại Hà Nội, ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nông dân Việt Nam cũng cho rằng: Cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân nắm được thời cơ, lợi thế của từng vùng sản xuất. Đồng thời chủ động khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đặc biệt là trong xúc tiến thương mại, đây là lĩnh vực nông dân còn rất yếu chỉ trông chờ vào những doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản.

Ông cũng nhấn mạnh, Hội cũng sẽ kiến nghị về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chủ động vượt qua những khó khăn trong hội nhập. Chỉ đạo cấp hội nông dân các cấp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, sở, ngành các nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị và xây dựng “liên kết 4 nhà” để nâng cao khả năng hội nhập của nông dân.

Cũng theo TS. Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp như hiện nay, việc hỗ trợ sẽ giúp hộ nông dân chủ động tham gia vào quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nên tránh hỗ trợ trực tiếp, mà cần tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận, áp dụng khoa học - công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, xúc tiến thương mại, đầu tư... cho nông dân (Ngọc Lê, 2015).

Tài liệu tham khảo:

1. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (2016). Hội thảo “Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, ngày 12/5, tại Hà Nội

2. Ngọc Lê (2015). 7 bất lợi của nông dân Việt khi tham gia TPP, truy cập từ http://danviet.vn/nha-nong/7-bat-loi-cua-nong-dan-viet-khi-tham-gia-tpp-647242.html

Lê Thủy

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư