e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Hà Nội sẽ có 2-3 khu du lịch tầm cỡ thế giới

16:03 | 25/07/2016 Print
- Thể hiện quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội, Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

6 tháng đầu năm 2016: Hà Nội đón hơn 2 triệu khách quốc tế

Theo Sở Du lịch TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển. Cụ thể, công tác quản lý hoạt động du lịch được tăng cường; hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng; cơ sở vật chất kỹ thuật được bổ sung từng bước; sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng.

Về số lượng khách, 6 tháng đầu năm 2016, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2.040.621 lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015; khách nội địa đạt 9.974.450 lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch đạt 31.306 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Công suất sử dụng phòng trung bình toàn khối 6 tháng đầu năm đạt 55,2%, ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 1,3 ngày/khách.

Tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016 đạt 31.306 tỷ đồng

Công tác quản lý, cấp phép cho các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như: thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; thẩm định hồ sơ cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện du lịch nước ngoài tại Việt Nam; thẩm định mới và thẩm định lại hệ thống các khách sạn, khu căn hộ cao cấp, nhà hàng đạt chuẩn; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch du lịch quốc tế và nội địa... được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể đến ngày 30/5/2016 đã cấp 338 thẻ hướng dẫn viên quốc tế và nội địa; thẩm định và xếp hạng cho 43 khách sạn 1 sao và 2 sao.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến, tổ chức sự kiện được tổ chức liên tục đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả như phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2016, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình "Ký ức Hà Nội". Ngoài ra, ngành Du lịch Thủ đô cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại các sự kiện trong và ngoài nước như Lễ hội Hoa Ban năm 2016 tỉnh Điện Biên; Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 12 năm 2016; Hội chợ Du lịch quốc tế Bắc Kinh...

Nhìn chung, trong những năm qua, đặc biệt là sau hơn 9 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007-2015 của Thành ủy (khóa XIV), ngành du lịch Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả tích cực, hàng năm luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Lượng khách du lịch chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, mức tăng bình quân hơn 10%/năm.

Hà Nội đã khẳng định được là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía Bắc; là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á.

Tuy nhiên, du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Hiệu quả kinh tế chưa cao, đóng góp vào GRDP của thành phố chưa tương xứng. Thành phố còn thiếu những khu, điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu đồng bộ, phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Nhìn chung, du lịch chưa được nhận thức là ngành kinh tế mũi nhọn; thiếu những cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn xã hội và các nhà đầu tư lớn vào phát triển du lịch.

Quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Vì vậy, nhằm thực hiện quyết tâm đưa du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, Nghị quyết nêu rõ, Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, để tạo đột phá, phát triển du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị tăng trưởng cao và sức cạnh tranh lớn, đòi hỏi cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp phải thống nhất nhận thức và hành động, xác định rõ quan điểm và mục tiêu đê tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết, du lịch Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8% - 10%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15% - 17%/năm. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60% - 65%. Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.

Đặc biệt, tới đây, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai, khu vực thắng cảnh Hương Sơn - hồ Quan Sơn - Tuy Lai; xây dựng từ 2 đến 3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, kết hợp truyền thống và hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực. Xây dựng 1 khu Triển lãm và Hội chợ tầm cỡ quốc tế; hình thành một số khu phố kinh doanh thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại; một số cơ sở giáo dục, tổ họp dịch vụ y tế chất lượng cao. Đầu tư bãi đỗ xe du lịch hiện đại trong nội đô và ven đô. Xây dựng một số đường, phố, vườn hoa, tiểu cảnh... đặc sắc để thu hút, hấp dẫn khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm…/.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư