Dành 93 tỷ đồng cho xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017

09:14 | 09/02/2017 Print
- Bộ Công Thương mới ban hành quyết định phê duyệt 199 đề án cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017 với tổng kinh phí là 93 tỷ đồng.

Chương trình bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, khả thi, có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm nhằm mở rộng thị trường, mặt hàng xuất khẩu trong đó chú trọng đến các thị trường đã ký Hiệp định Thương mại Tự do FTA như Nhật Bản, Hàn Quốc; các thị trường đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), như: Pháp, Đức, Bỉ, Ý, Ba Lan...; thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), như: Lào, Campuchia, Myanmar...; thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu; Trung Quốc - ASEAN FTA, thị trường Mỹ...

Xúc tiến thương mại cần hướng tới hiệu quả của doanh nghiệp

Song song với việc thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017 tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo phê duyệt, các đơn vị chủ trì chương trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án được phê duyệt theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ và huy động phần đóng góp của doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành. Hướng dẫn, tạo điều kiện, lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thực hiện đề án.

Đối với các đề án xúc tiến thương mại quốc gia thực hiện tại nước ngoài, đơn vị chủ trì chương trình có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Tham tán thương mại Việt Nam tại nước sở tại để phối hợp và hỗ trợ trong việc tổ chức thực hiện đề án... Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề án gửi về Văn phòng Ban quản lý chương trình.

Các đơn vị tham gia chương trình có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nội quy của Ban tổ chức chương trình. Cử nhân sự phù hợp và chịu toàn bộ trách nhiệm về nhân sự được cử tham gia đối với hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Trước đó, năm 2016, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia gồm 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng.

Năm ngoái, với sự hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống, như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư