Hơn 500.000 hộ, nhóm hộ gia đình nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

21:39 | 24/03/2017 Print
- Thông tin trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại Hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 24/03/2017.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho biết, tổng số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng trên toàn quốc tính đến 30/12/2016 là 6.510,7 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương thu được 4.768,5 tỷ đồng (73,2%), quỹ tỉnh thu 1.742,2 tỷ đồng (26,8%).

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, số tiền dịch vụ môi trường chi trả cho các chủ rừng là 5.024 tỷ đồng để các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý bảo vệ 5,87 triệu ha rừng (chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc). Các địa phương đã được phép sử dụng gần 385 tỷ để hỗ trợ các chủ rừng xây dựng các công trình lâm sinh phục vụ phát triển rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn 2011-2015 đã giảm lần lượt là 32,9% và 58,2% so với giai đoạn 2006-2010.

Số tiền dịch vụ môi trường rừng đã giúp cho các tổ chức quản lý bảo vệ 4,602 triệu ha rừng được hưởng dịch vụ, cụ thể là: 208 Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ quản lý 2,94 triệu ha; 81 Công ty Lâm nghiệp quản lý bảo vệ 716,5 ngàn ha; 467 UBND cấp xã quản lý 590,5 ngàn ha;195 chủ rừng khác là các đơn vị công an, bộ đội, doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu quản lý là: 356,4 ngàn ha. Trong số 4,602 triệu ha rừng nêu trên được các chủ rừng là tổ chức khoán 2,748 triệu ha cho hộ gia đình, cộng đồng.

Hiện tại, đã có hơn 500.000 hộ gia đình, nhóm hộ gia đình được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức bình quân khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Toàn cảnh hội nghị

Theo ông Ngãi, mặc dù đạt được kết quả nhưng công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng còn có những hạn chế đó là, thu tiền dịch vụ môi trường rừng vẫn còn thấp so với tiềm năng mới chỉ có 3 loại dịch vụ môi trường rừng đã thực hiện với các đối tượng là thủy điện, nước sạch và du lịch; các đối tượng khác, như: cơ sở công nghiệp có sử dụng nước mặt, nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu các bon chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, thu nhập của các hộ gia đình từ dịch vụ môi trường rừng bình quân chung cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm là rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống của người làm rừng. Ngoài ra, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo từng lưu vực của từng cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn.

Nhằm thúc đẩy hiệu quả thực thi dịch vụ môi trường rừng, các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng cần tăng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị dịch vụ môi trường do rừng tạo ra để tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Thí điểm và ban hành chính sách thu dịch vụ môi trường rừng từ các loại hình dịch vụ nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu các-bon rừng. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) với các Điều về các loại dịch vụ môi trường rừng, nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng,...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ đã quy định đối tượng thu, mức thu. Đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy Quỹ bảo về và Phát triển rừng, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh ở địa phương. Bên cạnh đó, cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, chế độ và nguồn lực (kinh phí, trang thiết bị, phương tiện) để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, cần đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thu nộp tiền dịch vụ môi trường rừng và các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

“Để giải quyết vấn đề này cần sự đồng lòng của cả xã hội, cả hệ thống chính trị; phải theo nguyên tắc “lấy rừng nuôi rừng”, đó mới là bình đẳng, không thể lấy ngân sách nhà nước ra mãi được. Phải làm sao để người trồng rừng, người làm rừng sống được nhờ rừng” Bộ trưởng nhấn mạnh thêm./.

Thanh Hà

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư