e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

2 điểm “mấu chốt” đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô

18:20 | 16/06/2017 Print
- Theo nhóm công tác ô tô và xe máy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang gặp những khó khăn lớn về quy mô nền kinh tế và sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Quy mô nền kinh tế nhỏ

Theo nhóm công tác, năm 2016, toàn ngành ô tô đạt trên 300.000 xe (bao gồm xấp xỉ 230.000 xe lắp ráp trong nước và trên 74.000 xe nhập khẩu) (tăng trên 22%) và có thể sẽ tăng thêm 10% trong năm 2017. Tuy nhiên, cả nhà đầu tư và Chính phủ đều chưa hài lòng vì con số này mới chỉ đạt 45% công suất sản xuất của ngành.

Hơn thế nữa, xe lắp ráp trong nước còn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu, chủ yếu do không đủ quy mô kinh tế vì thị trường nhỏ trong khi ngành công nghiệp phụ trợ còn non yếu, chỉ có rất ít các linh kiện trong nước có sẵn cho các nhà sản xuất ô tô. Trong số các nhà cung cấp linh kiện hiện nay, trên 90% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phần lớn các linh kiện xuất khẩu đều khác so với yêu cầu về các linh kiện cho thị trường trong nước.

Phần lớn linh kiện ô tô phải nhập khẩu khiến giá thành ô tô lên cao

“Do những bất lợi về quy mô kinh tế và sản xuất nhỏ và phần lớn các linh kiện và nguyên vật liệu để sản xuất xe ô tô và phụ tùng ô tô phải nhập khẩu, các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, hậu cần và thuế nhập khẩu. Đó là lý do tại sao các chi phí sản xuất xe ô tô và hầu hết các linh kiện ô tô trong nước thường cao hơn các chi phí đó tại Thái Lan hoặc Indonesia. Khoảng cách về chi phí sản xuất này có thể lên tới khoảng 10%-20%, làm giảm khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với xe ô tô nguyên chiếc của ASEAN từ năm 2018, khi mà thuế suất ưu đãi trong khối ASEAN cho xe ô tô nguyên chiếc được loại trừ xuống 0%”, nhóm công tác cho biết.

Vì vậy, nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy đề nghị, để giúp mở rộng sản xuất xe trong nước, cần có sự tham gia của cả các nhà lắp ráp ô tô và các nhà cung cấp linh kiện để hiểu rõ hơn về tình hình hiện nay của ngành. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp hàng tháng với các thành viên để làm rõ chương trình làm việc và cùng thảo luận các dự thảo chính sách cho ngành ô tô, sau đó, báo cáo lên Thủ tướng thường xuyên hơn.

Một đề xuất nữa đó là các nhà xây dựng chính sách nên tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất nhằm giảm áp lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất xe trong nước trong năm 2018. Đồng thời, phát triển các chương trình phù hợp để hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong ngành ô tô, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu các nhà cung cấp và áp dụng các chính sách ưu đãi nhất định cho việc thực hiện tốt sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đầu tư hiện có.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa hiệu quả

Nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất xe có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nhà cung cấp linh kiện trong nước.

Theo nhóm, nguyên nhân là do quy mô thị trường chưa đủ lớn. Thiếu sự gia nhập của các công ty toàn cầu vào thị trường. Theo đó, phần lớn các nhà cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu không thâm nhập vào thị trường do nhu cầu quá nhỏ; các nhà cung cấp toàn cầu không thể đầu tư mà không có bảo đảm rằng các nhà sản xuất lắp ráp ô tô (OEMs) sẽ duy trì và/ hoặc tăng sản xuất (các nhà cung cấp cấp 1 lớn).

Bên cạnh đó, năng lực của nhà cung cấp linh kiện ô tô trong nước. Theo đó, có rất ít các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu về Chất lượng/Chi phí/Giao hàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân là do các nhà cung cấp cấp 1 cần phải có năng lực tự thiết kế và phát triển các cụm linh kiện. Nếu không có khả năng tự thiết kế và phát triển cụm chi tiết, các nhà cung cấp trong nước cần phải có sự cho phép về bản quyền và/hoặc chuyển giao công nghệ hoặc hợp đồng li xăng từ nhà cung cấp linh kiện chính hãng để nội địa hóa ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc gia nhập vào thị trường không hề dễ dàng cho các công ty chưa có kinh nghiệp cung ứng linh kiện cho xe ô tô, vì việc này đòi hỏi các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng rất cao (các nhà lắp ráp lớn). Không thể sử dụng cùng một nhà cung cấp linh kiện điện tử vì điện tử là hàng tiêu dùng và sản xuất theo mẫu, có tiêu chuẩn về chất lượng khác so với yêu cầu cho xe ô tô.

Chính vì vậy, nhóm công tác cho rằng, các nhà cung ứng linh kiện trong nước không nên “đi tắt” để trở thành các nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn. Thay vào đó, họ nên đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng các yêu cầu về sản xuất/dịch vụ (QCD) như các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3, và hợp tác cùng với các nhà cung cấp nước ngoài như là một cách tiếp cận để phát triển sản xuất kinh doanh linh kiện của mình hoặc để được chuyển giao công nghệ. Bằng cách đó, các nhà cung cấp trong nước sẽ từng bước hiểu rõ về các yêu cầu sản xuất từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chủ động tận dụng những cơ hội đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

“Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành ô tô, họ cần phải cải thiện các vấn đề về chất lượng/chi phí/giao hàng bằng việc nâng cao chất lượng và tăng năng suất, cắt giảm chi phí, cải tiến năng lực quản lý và tuân thủ các quy tắc và luật quốc tế”, nhóm công tác cho biết.

Cùng với đó, nhóm công tác cũng đề nghị, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên đưa ra những hướng dẫn cho các nhà cung cấp bao gồm các tiêu chí để trở thành nhà cung cấp của họ, nhằm giúp các nhà cung cấp tiềm năng trong nước có thể nâng cao trình độ về chất lượng/chi phí/giao hàng (chẳng hạn cử chuyên gia đến các nhà cung cấp trong nước), có được chuyển giao công nghệ hoặc bí quyết kỹ thuật. Tiếp tục thương thảo với các nhà cung cấp hiện có để mở rộng các danh mục linh kiện có thể được nội địa hóa./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư