Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Quan trọng nhất là cách làm!

08:50 | 20/12/2017 Print
- Để tránh xảy ra hiện tượng “giấy phép con” từ các văn bản dưới luật, bà Kim Anh cho biết, trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ tới 3 luật, khi trình các dự thảo luật phải kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho biết điều này tại buổi tọa đàm “Cắt giảm thủ tục hành chính – Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” chiều 19/12/2017 tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Theo bà Kim Anh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã tạo động lực cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực trong vấn đề này. Ngay từ tháng 08/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác bao gồm thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ để tiến hành công tác rà soát, cắt giảm. Tổ công tác do một Thứ trưởng thường trực phụ trách, chỉ đạo trực tiếp, tạo sự lan tỏa từ cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp cũng như tất cả tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là vấn đề thủ tục xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, Cục đã cắt giảm cơ bản những nội dung có liên quan đến thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

“Công tác kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi đang đạt kết quả cao. Chúng tôi đã áp dụng xã hội hóa kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, toàn bộ khâu kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu áp dụng dịch vụ công mức độ 4. Theo Tổng cục Hải quan đánh giá, đây là một trong những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhập khẩu. Việc áp dụng cơ chế một cửa quốc gia đã giúp giảm tới 60-70% thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa, đồng thời tiết giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp.”, ông Đương nói.

Trước câu hỏi về việc triển khai công tác thủ tục hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Kim Anh cho biết, đây là công việc phải làm, tuy nhiên việc quan trọng nhất là cách làm.

“Được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ, chúng tôi đề xuất cách làm, trước hết là tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan trực tiếp đến các thủ tục hành chính. Sau đó, chúng tôi có sự tham vấn của chuyên gia, doanh nghiệp thực sự thường xuyên thực hiện thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, chúng tôi đi khảo sát, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, đến tận cửa khẩu để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Trên cơ sở rà soát toàn bộ các văn bản tránh chồng chéo, từ đó chúng tôi đưa ra kiến nghị vừa đảm bảo yêu cầu quản lý, vừa tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc cải cách thủ tục hành chính đạt sự đồng thuận cao của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp”, bà Kim Anh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của bà Kim Anh, ông Nguyễn Xuân Đương cho biết, Cục Chăn nuôi đã ý thức việc rà soát cắt giảm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp từ lâu, phải tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, nhưng không thể bỏ được yếu tố quản lý.

“Thủ tướng yêu cầu cải cách cắt giảm thủ tục hành chính, tôi thấy rất quan trọng. Đương nhiên, quan trọng nhất là tạo môi trường cho doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh thuận lợi, song phải giữ được quản lý nhà nước để đảm bảo không thể đưa ra sản phẩm không chất lượng, không an toàn vào Việt Nam vì nông sản Việt Nam chắc chắn xuất khẩu. Chúng tôi cắt thủ tục hành chính rườm rà để doanh nghiệp có môi tường thuận lợi nhất kinh doanh phát triển nhưng phải tạo ra hàng rào kỹ thuật cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, phát triển hài hòa với nông nghiệp các nước”, ông Đương cho biết.

Cũng tại buổi tọa đàm này, vấn đến an toàn thực phẩm đối với nguồn gốc thực phẩm cũng được đề cập đến. Theo ông Nguyễn Trọng Ái, Phó Chánh văn phòng Cục Bảo vệ thực vật, hiện tại, việc kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc thực vật đang được thực hiện theo Thông tư 12/2015/TT-BNNPTN. Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng Dự thảo sửa đổi Thông tư 12. Về tổng thể, Thông tư này sửa đổi theo hướng thống nhất theo chuỗi từ sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu. Mỗi công đoạn trong chuỗi đều được quy định rõ ràng phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý an toàn thực phẩm.

Để tránh xảy ra hiện tượng “giấy phép con” từ các văn bản dưới luật, bà Kim Anh cho biết, trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ tới 3 luật, khi trình các dự thảo luật phải kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành.

"Khi Luật vừa được Quốc hội thông qua xong, chúng tôi đã xác định nội dung để hướng dẫn thi hành phải chuẩn bị. Thực hiện theo hướng từng nội dung. Ví dụ, Luật Lâm nghiệp có 3 Nghị định, 7 Thông tư. Luật Thủy sản 1 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng và 8 Thông tư", bà Kim Anh nói.

“Trình tự ban hành rất chặt chẽ, có sự tham gia góp ý của cộng đồng DN, người dân, sự giám sát thẩm định của cơ quan tư pháp, sự thẩm tra của Văn phòng Chính phủ. Với cách làm như vậy, chúng tôi tin rằng, sẽ đảm bảo việc không có phát sinh giấy phép con”, bà Kim Anh nói. /.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư