Đà Nẵng đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế trong năm 2018

15:45 | 05/02/2018 Print
- Năm 2018, Đà Nẵng phấn đấu đạt tốc độ GRDP (giá so sánh 2010) khoảng 9%-10% so với ước thực hiện 2017. Đồng thời, Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, tăng trưởng bền vững ổn định; cải thiện môi thiện môi trường đầu tư...

GRDP năm 2017 tăng 9%

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, năm 2017 là năm thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chương trình “Thành phố 4 an”, đồng thời cũng là năm diễn ra các sự kiện lớn như: Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Đại Hội Du Lịch Golf Châu Á 2017...

Ngay từ đầu năm, UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 83/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Theo đó, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước đạt 58.597 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 12,4%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 23.379,35 tỷ đồng, đạt 111,9% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 17,96% so với thực hiện năm 2016; Tỷ lệ hộ nghèo (hộ nghèo còn sức lao động) còn lại cuối năm (theo chuẩn mới Thành phố đến năm 2020) đạt 2,86%...

Đối với lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định: Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Dịch vụ du lịch tiếp tục phát triển sôi động với nhiều hoạt động thu hút khách du lịch, đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 (DIFF 2017). Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 6,6 triệu lượt, đạt 104,8% kế hoạch, tăng 19% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,3 triệu lượt, đạt 115% kế hoạch, tăng 36,8%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 19.403 tỷ đồng, đạt 104,9% kế hoạch, tăng 20,6%; doanh thu lưu trú, du lịch, lữ hành ước đạt 6.695 tỷ đồng, tăng 8,6%.

Năm 2017, Thành phố đã xúc tiến mở 08 đường bay thường kỳ, các đường bay mới tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số đường bay thuê chuyến; đến nay, thành phố có 28 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó có 14 đường bay trực tiếp thường kỳ và 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến.

Đà Nẵng đã góp phần vào thành công lớn trong việc tổ chức Hội nghị APEC 2017

Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị đầu tư du lịch Đà Nẵng trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017; ban hành Kế hoạch tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2017-2018 và lồng ghép quảng bá nhân sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017; tham gia các Hội chợ, chương trình xúc tiến du lịch trong vào ngoài nước; phối hợp công bố Bộ nhận diện thương hiệu du lịch 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, thực hiện quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình; đưa vào sử dụng Ứng dụng du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động (App Danang FantastiCity), thí điểm ứng dụng chatbot vào du lịch thông minh phục vụ người dân và du khách nhân dịp APEC 2017 được hưởng ứng và đánh giá cao, tích cực.

Trong năm 2017, Thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án đầu tư trong nước, tổng mức đầu tư 25.250 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án đã khởi công xây dựng, tổng vốn đầu tư 13.413 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2017 đến hết năm, Thành phố có 96 dự án FDI được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 111,9 triệu USD (tăng 6,5 lần so với năm 2016), trong đó, có 13 dự án đăng ký hoạt động trong các khu công nghiệp, tổng vốn 20,6 triệu USD; 82 dự án đăng ký hoạt động ngoài KCN, tổng vốn 62,75 triệu USD và 01 dự án đăng ký hoạt động trong KCNC, vốn đầu tư 28,5 triệu USD; có 05 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 844,2 nghìn USD và các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế với 05 dự án, tổng vốn 60,1 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, thành phố có 540 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 03 tỷ USD.

Cũng trong năm 2017, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.001 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn đăng ký đạt 21.098 tỷ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp và tăng 66% về vốn so với năm 2016; hoàn tất thủ tục giải thể cho 353 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 984 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 22.040 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt 142,6 ngàn tỷ đồng.

Nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Theo đó, Thành phố đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-UBND, ngày 21/03/2017 về Quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký mã số thuế và cấp phép sản xuất, kinh doanh có điều kiện tại UBND quận, huyện; ban hành Phương án triển khai tiện ích đăng ký hẹn giờ giao dịch hành chính; xây dựng phần mềm và triển khai Dịch vụ tra cứu dữ liệu từ máy xếp hàng tự động.

Thành phố đã tổ chức 03 chương trình gặp mặt, đối thoại cùng doanh nghiệp với sự tham gia của hơn 1.700 lượt doanh nghiệp và doanh nhân; ban hành Quyết định số 4522/QĐ-UBND, ngày 17/08/2017 của UBND thành phố về việc ban hành Quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 112 kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp được tiếp nhận, xử lý.

Thành phố cũng đã ban hành Đề án Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trong giai đoạn 2017-2018.

Năm 2017, lãnh đạo Thành phố tiếp và làm việc với 92 đoàn, trong đó nổi bật có: đoàn Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đoàn Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sekong, đoàn Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Xay-xổm-bun (Lào), đoàn Đại sứ Nhật Bản, đoàn Đại sứ và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, đoàn Thị trưởng thành phố Yokohama...; tổ chức thành công các hoạt động ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, đặc biệt là Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào... Tích cực phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các địa phương, tổ chức trên thế giới.

Đặc biệt, lãnh đạo thành phố thường xuyên chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan phát huy tinh thần chủ động, chuyên nghiệp và trách nhiệm cao trong cả năm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia và các Tiểu ban - UBQG thực hiện tốt các công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Đảm bảo hoàn thành kịp thời hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tuần lễ cấp cao; phối hợp tổ chức tốt hai đợt tiền trạm của các nền kinh tế, hoạt động Sơ duyệt của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia và Tổng duyệt của Chủ tịch nước; tham gia đón, tiễn Lãnh đạo cấp cao 20 nền kinh tế; phối hợp xử lý các công việc đột xuất, phát sinh, đảm bảo mọi hoạt động của tuần lễ cấp cao đều diễn ra suôn sẻ; cung cấp 844 liên lạc viên và tình nguyện viên được đào tạo bài bản phục vụ cho tuần lễ cấp cao.

Các công trình cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đây cũng là những công trình hạ tầng, những địa điểm tổ chức sự kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế mà thành phố có thể khai thác sử dụng để phục vụ cho những sự kiện lớn, sự kiện quốc tế sau Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả các chương trình thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có”

Phát huy thành công sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thành phố, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp và sáng tạo, đổi mới công nghệ, xây dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, tăng trưởng bền vững ổn định; cải thiện môi thiện môi trường đầu tư; tập trung phát triển các ngành kinh tế then chốt, có khả cạnh tranh như: dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao.

Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; tăng cường quản lý trật tự, văn minh đô thị. Xây dựng hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu phát triển thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và tăng cường khả năng liên kết vùng; điều chỉnh quy hoạch chung về phát triển đô thị một cách dài hạn, theo hướng của một đô thị gắn kết dựa vào giao thông công cộng, phát triển các trung tâm mới khu vực phía Tây, khu vực Vịnh Đà Nẵng và tái thiết lại các khu đô thị cũ xuống cấp không đảm bảo về môi trường, phòng chống cháy nổ.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2018 của Đà Nẵng

(1). Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá SS2010) tăng 9%-10% so với ước thực hiện 2017;

(2). Gía trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,8%-9,8%;

(3). Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 8%-9%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%-9%

(4). Giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm tăng 3,5%-4,5%;

(5). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12%-13%;

(6). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phấn đấu tăng ít nhất 5% so với dự toán ngân sách Nhà nước Trung ương giao;

(7). Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 6%-7%;

(8). Tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm 4,04%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51%.

(9). Tỷ lệ giảm sinh ước đạt 0,1%o;

(10). Tỷ lệ hộ nghèo (hộ nghèo không còn sức lao động) còn lại cuối năm theo chuẩn thành phố 1,25%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,4%;

(11). Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

Tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả các chương trình thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP, giá so sánh 2010, phương pháp giá cơ bản) khoảng 9%-10% so với ước thực hiện 2017. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố sẽ tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như sau:

Một là, phát triển các lĩnh vực dịch vụ. Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư sớm triển khai hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án phục vụ du lịch nghỉ dưỡng như: Khu vui chơi giải trí Cocobay, Khu giáo dục ngoại khóa và du lịch sinh thái khu vực Khe Răm, Khu du lịch sinh thái kết hợp cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn làng nghề truyền thống...

Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cao cấp như: kết hợp hội họp, hội nghị, triển lãm (MICE), đặc biệt là khai thác các công trình phục vụ APEC, các sự kiện sau APEC 2017 để thu hút khách du lịch, trở thành điểm đến hàng đầu về dịch vụ MICE trong vùng. Khai thác hiệu quả các sự kiện thể thao kết hợp du lịch và phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao để kết hợp du lịch nghĩ dưỡng với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, trở thành một ngành kinh doanh cạnh tranh trong khu vực.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống các bãi tắm công cộng và hệ thống cây xanh ven biển kết hợp với cảnh quan các khu resort thành một không gian xanh với bản sắc riêng, mở rộng các tuyến đường xuống biển để gắn kết thúc đẩy phát triển dịch vụ các khu đô thị bên trong, đồng thời phục vụ cho nhân dân tại khu vực tiếp cận với không gian sinh hoạt công cộng ven biển, đặc biệt khu vực Ngũ Hành Sơn

Mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế và trong nước thông qua việc tăng thêm các chuyến bay trực tiếp từ các nước trong khu vực và một số nước phát triển đến Đà Nẵng; xây dựng chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phấn đấu tổng lượt khách du lịch đạt 7,47 triệu lượt, tăng 13,2% so với ước thực hiện 2017, trong đó khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt, tăng 17,4% và tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 22.500 tỷ đồng, tăng 16%.

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Việt Nam đã ký kết các cam kết hội nhập song phương và đa phương. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’”. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14%-15% so với ước thực hiện 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12%-13%.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cảng Tiên Sa với quy mô tối đa 10 triệu tấn/năm, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thông quan các dịch vụ cảng biển-logistics. Hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư cảng Liên Chiểu để đón đầu phát triển về các dịch vụ logistics trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 và gắn kết với việc quy hoạch mở rộng khu vực vịnh Đà Nẵng để trở thành một địa điểm đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Hai là, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - xây dựng. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp thành phố. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghệ cao giai đoạn 1; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao ở các thị trường nước ngoài, thu hút từ 05-07 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 150 triệu USD.

Tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư và khởi công sớm Khu Công viên phần mềm số 2; hoàn thành giai đoạn 1 Khu Công nghệ thông tin tập trung số 1 để thu hút đầu tư trong năm 2018. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, ưu tiên Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2), Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Cụm công nghiệp Cẩm Lệ và Cụm công nghiệp Hòa Nhơn nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp, bố trí di dời các doanh nghiệp nằm trong khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm và tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường trong các Khu công nghiệp hiện có; xây dựng phương án lộ trình chuyển đổi công năng, đổi mới công nghệ, mua bán sáp nhập. Tiếp tục triển khai thí điểm từng bước chuyển đổi Khu công nghiệp Hòa Khánh thành Khu công nghiệp sinh thái tiến tới mô hình Khu công nghiệp bền vững tại Đà Nẵng.

Thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp chủ động nắm bắt các cơ hội, hạn chế các thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, duy trì tổ chức đối thoại thiết thực và hiệu quả giữa Lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%-9% so với ước thực hiện 2017, Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9%.

Ba là, duy trì phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và thực hiện Chương trình quốc gia thực hiện Đề án ”Mỗi xã một sản phẩm”. Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó ưu tiên phát triển các cánh đồng lúa hữu cơ và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cơ chế thực hiện nông thôn mới giai đoạn 2017-2020. Hoàn thiện quy hoạch và các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thu hút các nhà đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng khai thác lợi thế về chế biến thực phẩm và nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền, biển đảo quốc gia. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khai thác hải sản của Trung ương và thành phố; đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20CV giai đoạn 2016-2020. Triển khai Dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang và Quy hoạch trung tâm nghề cá lớn thành phố Đà Nẵng theo hướng trung tâm thương mại dich vụ về nghề cá kết hợp với tham quan du lịch.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá tại Khu Âu thuyền Thọ Quang, khai thác, sử dụng có hiệu quả chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang nhằm đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại. Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm tăng 3,5-4,5% so với ước thực hiện 2017.

Tập trung công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ; phát triển các mô hình kinh tế lâm nghiệp, gieo ươm cây giống, mô hình trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu và kinh tế lâm sinh dưới tán rừng. Thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế đối với các dự án có sử dụng đất rừng. Củng cố, sắp xếp lại lực lượng kiểm lâm để thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, trong đó tập trung chú trọng bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ lâm sản trái phép và kiểm soát, quản lý động vật hoang dã. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt 43,8%.

Bốn là, phát triển doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Đề án Phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, khuyến khích đầu tư trong nước, thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, có sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu thành phố. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp dân doanh, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, nhân lực để khuyến khích thành lập mới các vườn ươm doanh nghiệp, cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo có tiềm năng phát triển trong một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, quốc gia phát triển về khởi nghiệp, đặc biệt với các quốc gia khởi nghiệp, như: Israel và các tỉnh lân cận, như: Quảng Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác của hai địa phương.

Tiếp tục tổ chức các buổi làm việc, gặp mặt đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Hoàn thiện các thủ tục giải thể và xóa tên hợp tác xã không còn hoạt động hoặc thua lỗ kéo dài, không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ban hành quyết định giãn tiến độ thêm 24 tháng theo Điều 46 của Luật Đầu tư và Điều 64 của Luật đất đai nhằm thu thêm tiền phạt tránh thất thu ngân sách nhà nước, đối với những dự án chây ì không giãn tiến độ thì tiến hành dừng dự án.

Chủ động và tích cực trong việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên. Thực hiện có kết quả Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Thành phố giai đoạn 2016-2020 và Đề án Tăng cường hoạt động xúc tiến vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020. Tăng cường các hoạt động quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại thành phố, tích cực tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư ở các thị trường trọng điểm, như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Duy trì và mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế về xúc tiến đầu tư, thương mại, các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam để tiếp cận các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng.

Tiếp tục hỗ trợ, xúc tiến các dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, năng lượng, công nghệ thông tin, công nghiệp, giao thông, logistic.../.

Ngô Đình Tráng - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư