e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Nông sản Việt Nam: Cần lắm 1 “át chủ bài”!

18:24 | 05/06/2018 Print
- Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất lượng và giá trị gia tăng.

Sáng nay, ngày 05/06/2018, tại Hà Nội, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Báo điện tử VnExpress tổ chức Diễn đàn "Kinh tế Việt Nam với chuyên đề nông nghiệp: Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt Nam".

Toàn cảnh diễn đàn

Nhận diện thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua với sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, chúng ta đã có từ 3.300 đến 3.700 doanh nghiệp, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn hợp tác xã kiểu mới. Nông sản Việt Nam xuất khẩu mở rộng đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Tính 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp 12,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13%... Thặng dư ngành nông nghiệp tăng từ 7 tỷ USD năm 2015 lên 8,5 tỷ USD năm 2017 và dự kiến sẽ vượt 9 tỷ USD năm 2018", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp còn tồn tại những hạn chế lớn, như: Tính liên kết 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm nông nghiệp cấp quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương cấp làng xã) chưa cao; khâu chế biến còn yếu; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, còn yếu về thị trường, chưa tổ chức được thị trường trong nước.

Cùng với những hạn chế mà Bộ trưởng Mai Tiến Dùng nêu ra, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra một số những thác thức mà nông sản Việt Nam phải đối mặt. Cụ thể là: Theo lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của các nước thành viên, các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Bên cạnh đó, khi tham gia hội nhập, thị trường Việt Nam cũng sẽ mở rộng để các nước tiến vào, vì vậy các doanh nghiệp phải vượt lên để đương đầu với thách thức.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng, Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế, có quá nhiều cơ quan quản lý chung, có quá nhiều quy chuẩn, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp Việt còn yếu, mối quan hệ giữa tổ chức các nghiệp đoàn nông nghiệp, quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp là những thách thức chính.

"Ngoài ra chúng ta còn 1,7 triệu trẻ em nông thôn tham gia lực lượng lao động nông nghiệp, hay quản lý di cư cũng là những thách thức mà nước ta đang phải đối mặt", ông nói.

Ngoài ra, ông còn chỉ ra nhiều rào cản khác là hàm lượng khoa học công nghệ rất ít, năng suất lao động thấp. Một nguy cơ cũng mới xuất hiện trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, theo đó, ông đưa ra biểu đồ để cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ tụt hậu lớn nhất.

Giải pháp là gì?

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, muốn sản xuất được nông nghiệp hàng hóa vấn đề đầu tiên cần phải xử lý đó là đất đai.

“Đất nông nghiệp nhỏ lẻ, từng hộ nông dân sẽ cho doanh nghiệp thuê lại để doanh nghiệp tập trung, tích tụ ruộng đất. Chỉ có giao cho doanh nghiệp mới giúp cơ cấu lại lao động trong nông thôn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan), đồng thời là người nhiều năm làm việc với nông dân Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xây dựng và phát triển mô hình đầu tư canh tác quy mô lớn. Hiện nay, sản xuất còn nhỏ lẻ, làm theo quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác còn giới hạn, các cánh đồng mẫu lớn chưa phổ biến, chưa tận dụng được chi phí đầu tư thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.

Các diễn giả bàn về giải pháp phát triển nông sản Việt Nam

"Ở các nước phát triển, chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, khấu hao trên từng sản phẩm giảm rất nhiều, nhà đầu tư có nhiều cơ hội đa dạng hoá sản phẩm, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá. Ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, ở Việt Nam kém Thái Lan 10 lần", ông khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết, tại Thái Lan, 70% hộ có sức nuôi từ 5.000 con gà. Trong khi đó, ở Việt Nam có 8 triệu điểm chăn nuôi, nhưng quy mô từ 100 đến 1.000 con chỉ chiếm 3%, trên 1.000 con chỉ 0,2%.

"Quy mô và năng suất hiệu quả các nông trại ở Thái Lan hơn hẳn Việt Nam, các sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên trường quốc tế", ông Hải nói.

Cùng với đó, ông Hải cho rằng, Việt Nam cần ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong canh tác, như: công nghệ sinh học tự động hoá, công nghệ cao trong thu hoạch chế biến. Đồng thời, Việt Nam cần quản lý chất lượng thương hiệu.

“Việt Nam đã có nhiều thành công trong gia tăng doanh mục xuất khẩu ra thế giới, được danh giá cao về khả năng cung ứng, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn là một thách thức”, ông Hải cho biết.

Bàn về giải pháp đối với hàng nông sản, TS. Đặng Kim Sơn, cho rằng, nói về ngắn hạn, thông tin thị trường là quan trọng nhất.

“Về dài hạn, mấu chốt là tổ chức nông dân lại với nhau, liên kết với nông dân bằng mô hình hợp tác xã. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. Như vậy, nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm”, ông Sơn đề xuất.

Đâu là “át chủ bài” cho nông sản Việt Nam?

Bên cạnh nhưng giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra, thì câu hỏi được ông Trương Gia Bình - Trưởng ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF đặt ra: Tại sao hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu đi 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng chục mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, song sao nước ta vẫn nghèo.

“Thụy Điển là quốc gia giàu có hàng đầu trên thế giới, cũng là một quốc gia nông nghiệp, song họ chỉ có một mặt hàng chủ lực đó là xuất khẩu khoai tây”, ông Bình nói, "phải chăng nông sản Việt Nam đang thiết một “át chủ bài?", ông Bình đặt vấn đề,

Trả lời câu hỏi của ông Bình, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất và giá trị gia tăng.

"Nông dân và doanh nghiệp của chúng ta ít tiêu chuẩn quá, nhất là tiêu chuẩn quốc tế", bà Hạnh nói.

Đồng thời, bà Hạnh dẫn câu chuyện thực tế tại An Giang vốn là một nơi nổi tiếng nề nếp, người nông dân làm ăn lớn. Tuy nhiên, phần lớn họ đều không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, cũng như tiêu chuẩn hàng hóa, mà họ sản xuất chủ yếu dựa vào lòng tin.

“Chúng tôi thật thà lắm, chị phải tin tôi chứ. Tôi nói không được, các anh làm quốc tế phải có tiêu chuẩn, cam kết bằng giấy tờ", bà Hạnh kể.

Tuy nhiên, dưới góc độ là một thương lái, bà Nguyễn Thị Thành Thực, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm trao đổi mua bán nông sản với thương lái Trung Quốc, bà Thực cho rằng, "muốn bán hàng thì nên đi chợ".

Thế nhưng, nông sản Việt Nam đang trong tình trạng không đi chợ mà chờ đợi các doanh nghiệp đến hỏi. "Nông sản Việt Nam như đang một cô gái danh giá đợi các chàng trai tán tỉnh", bà Thực ví von.

Đồng thời, bà Thực cho rằng, người dẫn dắt thương mại là người quyết định đến khâu sản xuất, bên cạnh đó, chợ thương mại điện tử là vô cùng quan trọng.

“Với kinh nghiệm của một thương lái, tôi cho rằng, người dẫn dắt thương mại là người quyết định đến khâu sản xuất, đặt biệt với công nghệ hiện đại như hiện nay, chợ thương mại điện tử là vô cùng quan trọng. Khi bạn tham gia hội chợ, triển lãm cũng chỉ được trong môt tuần 1, tháng không nói nên điều gì. Khi về, tôi cần quay lại không thấy đâu nữa”, bà Thực nói./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư