e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Dấu ấn ngành công nghiệp năm 2018 và định hướng năm 2019

15:56 | 06/02/2019 Print
Trong năm 2018, ngành công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp đang đi đúng hướng, phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; năng lực sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp đã được tăng lên đáng kể…

Những dấu ấn năm 2018

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP cả năm 2018 tăng 7,08% so so với năm 2017, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 tới nay. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; trong đó, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng 8,79%, chiếm 28,44% trong GDP. Dấu ấn của ngành công nghiệp trong năm 2018 được thể hiện qua những khía cạnh cụ thể sau:

(1) Ngành công nghiệp đạt được mức tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP cả nước.

Năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định (tăng 10,2%, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao là 9%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 12,98%, tuy thấp hơn so với mức tăng của năm 2017, nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm từ 2012 đến 2016[1].

Đây là kết quả của việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, là kết quả của việc vận dụng hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã ký kết, góp phần mở rộng thị trường, gia tăng đầu tư để mở rộng sản xuất trong nước, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ một số mặt hàng công nghiệp diễn ra thuận lợi, tồn kho toàn ngành công nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua[2]. Sản xuất trong nước đã đáp ứng hầu hết nhu cầu một số mặt hàng công nghiệp thiết yếu, như: xi măng, thép xây dựng, phân đạm, phân NPK, đáp ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng dân cư... Sản xuất liên tục được mở rộng (chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI các tháng trong năm 2018 luôn cao hơn 50 điểm) với sự đóng góp tích cực của các ngành, như: điện tử, dệt, thép, ô tô...

(2) Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp đang đi đúng hướng, phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể là, tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng và tỷ trọng ngành khai khoáng giảm. Tỷ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần theo các năm (16,2% năm 2016; 17,4% năm 2017 và ước 18,3% năm 2018), trong khi tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 7,6% năm 2016, 6,6% năm 2017 và 6% ước cho năm 2018.

(3) Năng lực sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp đã được tăng lên đáng kể.

Trong ngành thép, Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh tăng công suất sản xuất với việc đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018, giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7,5 triệu tấn/năm; Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán 600 nghìn tấn trong tháng 08/2018 ở Quảng Ngãi; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350 nghìn tấn.

Trong ngành dầu khí, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động đã sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 3-3,2 triệu tấn xăng dầu các loại năm 2018.

Còn trong ngành điện, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2018, công suất nguồn điện tăng thêm khoảng 3.150MW; đường dây 500-220kV tăng thêm khoảng 1.092km; đường dây 110kV tăng thêm khoảng 1.267km.

(4) Các nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, nên đã đổ vốn mạnh vào ngành công nghiệp, đặc biệt là chế tạo, lắp ráp ô tô, như: Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast (tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm), Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm), Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công (tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất 40.000 xe/năm)...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt khoảng 9,067 tỷ USD, chiếm 50,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,216 tỷ USD, chiếm 29%; các ngành còn lại đạt 3,691 tỷ USD, chiếm 20,5%.

(5) Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tăng mạnh: Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao là 7%-8%; chỉ tiêu Chính phủ giao là 8%-10%). Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Năm 2018, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

(6) Công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp ngành công thương bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay đã có 2 dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy Thép Việt – Trung); 2 dự án đã vận hành sản xuất trở lại (Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi); 1 dự án sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước) ngay khi thị trường thuận lợi. Các dự án còn lại đang được tích cực xử lý để bảo đảm hoàn thành đúng theo phương án, lộ trình đề ra.

Bên cạnh những điểm nổi bật về tăng trưởng của ngành công nghiệp, thì cũng cần nhìn nhận lại một số hạn chế, tồn tại của ngành, cụ thể như:

Thứ nhất, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp đang ở mức thấp. Một số lĩnh vực công nghiệp khai khoáng khó có khả năng tăng trưởng thêm, như: khai thác dầu khí, than, đặc biệt là khai thác dầu thô tiếp tục giảm do sản lượng khai thác tự nhiên giảm, trong khi có ít mỏ mới đưa vào khai thác.

Thứ hai, hiệu quả sản xuất lĩnh vực cơ khí còn thấp, trình độ thiết kế, chế tạo chưa đủ chủ động để sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị và có hàm lượng công nghệ cao để giải quyết những vấn đề ngành đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ ba, sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành sản xuất cho xuất khẩu, như: dệt may, da giày... Việt Nam cơ bản mới chỉ có thể tham gia vào khâu gia công với giá trị gia tăng thấp, trong khi vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, do đó không ổn định được cả nguồn cung lẫn nguồn cầu.

Thứ tư, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Sử dụng tài nguyên, năng lượng còn ở mức cao (tăng trưởng điện/tăng trưởng GDP khoảng 1,54 lần), năng suất lao động thấp, năng lực thiết kế, chế tạo, nghiên cứu ứng dụng chưa đạt mục tiêu. Trình độ công nghệ sản xuất tuy đã được cải thiện nhiều, song vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực.

Thứ năm, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp vẫn tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất (máy tính, điện thoại, linh kiện điện tử).

Thứ sáu, một số dự án đầu tư lớn chậm tiến độ, hiệu quả thấp, làm giảm động lực tăng trưởng.

Nhiều dư địa cho phát triển công nghiệp năm 2019

Năm 2019, phát triển sản xuất công nghiệp có một số yếu tố thuận lợi, như: môi trường kinh doanh đang được cải thiện một cách mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất, cũng như thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất cho thấy dư địa, điều kiện tốt để phát triển cho năm tới, như: Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã chính thức đi vào vận hành thương mại trong cuối năm 2018; Hai dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ tiếp tục có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, sản xuất và tiêu thụ tốt hơn, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ và xuất khẩu với giá cao góp phần vào tăng trưởng của nhóm ngành khai khoáng.

Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp năm 2019 cũng tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, đó là: tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ diễn ra chậm; các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghệ mới có lợi thế; diễn biến giá dầu thô rất khó dự báo...

Trong bối cảnh đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp năm 2019 tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất tại Việt Nam. Rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tăng cường giám sát đầu tư chuyên ngành, phấn đấu hoàn thành đưa vào sản xuất đúng tiến độ góp phần tăng trưởng chung của ngành trong năm 2019. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghệ mới có lợi thế.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước là 6,8% năm 2019 do Quốc hội đề ra, ngành công nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng GDP công nghiệp tăng khoảng 8% so với năm 2018; tỷ trọng công nghiệp trong GDP khoảng 28,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9%-10%. Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu này, thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Hai là, ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt nhằm gia tăng năng lực sản xuất; giải quyết cơ bản các khó khăn, tồn tại của những dự án kém hiệu quả, thua lỗ của ngành công thương.

Ba là, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp.

Nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ để khắc phục những bất cập về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, cũng như chính sách riêng biệt cho các ngành có đặc thù riêng.

Bốn là, tích cực thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lớn của nền kinh tế.

Năm là, đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh đặc biệt các dự án nhiệt điện tại miền Nam; xây dựng trình Chính phủ Quy hoạch điện VIII. Khai thác tối ưu các nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn thủy điện, nguồn nhiên liệu khí và nguồn than trong nước và nhập khẩu than; đưa các nhà máy điện mới vào khai thác đúng tiến độ và ổn định.

Sáu là, tiếp tục bám sát thị trường, điều kiện thực tế để có các giải pháp tổ chức thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu khí và than linh hoạt, phù hợp theo quy định, đảm bảo theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo đủ than cấp cho sản xuất điện.

Bảy là, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời thực hiện các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Nghiên cứu khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO và các FTA đã ký kết để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu. Đặc biệt, nhanh chóng ngăn chặn sản phẩm thép cuộn sử dụng trong xây dựng với nguy cơ bị gian lận dưới dạng thép khác để trốn thuế./.


[1] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của một số năm: Năm 2012 tăng 9,05%; năm 2013 tăng 7,22%; năm 2014 tăng 7,41%; năm 2015 tăng 10,60%; năm 2016 tăng 11,90%; năm 2017 tăng 14,40%; năm 2018 tăng 12,98%), đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng toàn ngành.

[2] Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến hết 12 tháng năm 2018 tăng 12,4% so với năm trước (năm 2017 tăng 10,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/12/2018 tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm.

ThS. Lương Văn Kết & KS. Trần Quốc Dũng - Vụ Kinh tế công nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư