Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo

11:43 | 23/02/2021 Print
- Bộ Công Thương vừa có văn bản số 828/BCT-ĐL, ngày 9/2/2021 gửi tới các bộ, ngành liên quan về việc ý kiến góp ý về Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 995/QD- TTg, ngày 9/8/2018 giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Theo Bộ Công Thương, dự thảo được lấy ý kiến lần này là Dự thảo lần 1 của Đề án Quy hoạch điện VIII. Việc lấy ý kiến được thực hiện tới trước ngày 17/3/2021. Sau đó Bộ Công Thương sẽ trình Hội đồng thẩm định Đề án Quy hoạch Điện VIII xem xét, có ý kiến, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo quy hoạch Điện VIII, Quy hoạch bao gồm 19 chương, bao trùm các vấn đề của ngành điện hiện tại và tương lai. Tại Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng đã tập trung tính toán, phân tích, đánh giá sự phát triển của ngành điện lực trong kỳ quy hoạch trước, chỉ ra các tồn tại và bài học kinh nghiệm; tính toán, phân tích khả năng phát triển kinh tế - xã hội và dự báo phụ tải điện; tính toán khả năng sử dụng năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; tính toán chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; tính toán vốn đầu tư và phân tích kinh tế của chương trình phát triển điện lực; đề xuất các giải pháp và cơ chế để thực hiện quy hoạch. Báo cáo đánh giá Môi trường chiến lược của Quy hoạch điện VIII cũng được Viện Năng lượng lập song song và tương tác chặt chẽ với quá trình lập quy hoạch điện lực.

Áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 được tính đến trong truyền tài điện

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đạt bình quân 6,6%/ năm, giai đoạn 2031 – 2045 bình quân 5,7%/ năm, dự báo điện thương phẩm năm 2030 đạt 491 tỉ kWh, năm 2045 đạt 877 tỉ kWh. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,13 lần năm 2030 và giảm xuống 0,58 lần năm 2045 (năm 2020 hệ số này là 1,20).

Đối với chương trình phát triển nguồn điện, theo dự thảo, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW, trong đó nhiệt điện than: 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).

Năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW (trong đó nhiệt điện than: 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%).

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2015 sẽ khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. “Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới”, dự thảo cho biết.

Cũng theo Dự thảo, Chương trình phát triển lưới điện truyền tải của Quy hoạch điện VIII được thiết kế để đảm bảo truyền tải an toàn, liên tục công suất của các nhà máy điện tới trung tâm phụ tải. Hệ thống truyền tải điện 500kV vẫn tiếp tục được xây dựng để truyền tải điện từ các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Hồng.

Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Với chương trình phát triển này, lưới điện của Việt Nam đáp ứng được tiêu chí N-1 đối với cung cấp điện cho các phụ tải, tiêu chí N-2 đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng. Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tài điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong Quy hoạch điện VIII.

Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,5 tỉ USD cho nguồn và 3,3 tỉ USD cho lưới).

Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 140,2 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư cho nguồn và lưới là 73%/27%. Giai đoạn 2031 – 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,3 tỉ USD cho nguồn và 3,4 tỉ USD cho lưới).Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 UScent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 9,6 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,3 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2045./.

Ngày 18/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 196/TTg-CN liên quan đến kết quả rà soát danh mục các dự án điện gió đã hoàn thành công tác thẩm định. Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến, không xem xét bổ sung các dự án Bộ Công Thương báo cáo kiến nghị tại các văn bản nêu trên vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh mà đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Đồng thời, Bộ Công Thương được yêu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 1/1/2021) đảm bảo chặt chẽ, khoa học. trong đó cần phải đảm bảo cơ cấu các nguồn điện phù hợp với chủ trương và định hướng phát triển năng lượng quốc gia trong từng giai đoạn và khả năng cung cấp của năng lượng sơ cấp, đồng thời bảo đảm an toàn, ổn định, hiệu quả tốt cho đất nước./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư