Nguyễn Văn Dương từ người thợ mộc nghèo đến tỷ phú nhờ đam mê hoa lan

00:13 | 11/03/2021 Print
- Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi trồng hoa lan phát triển sôi động đã giúp cho nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Vậy đây thực sự là một ngành nghề có tiềm năng phát triển bền vững ở nước ta hay chỉ là xu thế nhất thời?

Dưới đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dương sinh năm 1968 ở Mỹ Đức, Hà Nội nói về quá trình đổi đời từ người thợ mộc nghèo đến tỷ phú nhờ đam mê hoa lan.


Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ Vườn lan Dương Thảo.

PV: Trước hết xin ông khái quát một đôi nét về thú chơi hoa lan xưa và nay?

Ông Nguyễn Văn Dương: Thú chơi hoa lan là một thú chơi nhân văn tao nhã đã có truyền thống phát triển từ xa xưa được ông cha trao truyền qua bao thế hệ. Vì thế, từ kỹ thuật nuôi trồng đến quan niệm thẩm mỹ, xu hướng tiêu dùng, giá trị văn hóa của thú chơi này ngày càng được hoàn thiện theo thời gian. Ngày nay, thú chơi hoa lan cây cảnh gắn với những người có địa vị trong xã hội và đã đi vào tiềm thức qua câu thành ngữ :"Vua chơi lan, Quan chơi trà". Nhưng ngày nay, thú chơi đã phổ quát tới toàn dân, ai ai cũng có thể tiếp cận, sở hữu, thưởng ngoạn theo nhu cầu và điều kiện cụ thể. Đặc biệt thù chơi này đã trở thành một trong 7 ngành nghề phát triển nông thôn được Chính phủ quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/04/2018.


Khu vườn của ông Nguyễn Văn Dương được đầu tư hiện đại.

PV: Xin ông có thể nêu cụ thể hơn về thú chơi này gần đây?

Ông Nguyễn Văn Dương: Trước kia thú chơi hoa lan thường gắn với tầng lớp trung niên, nhưng khoảng 05 năm trở lại đây thú chơi này phát triển rất nhanh, đã thu hút được nhiều thanh niên trẻ có kiến thức, trình độ và điều kiện kinh tế đầu tư khởi nghiệp. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nhà vườn ứng dụng cộng nghệ cao để nuôi trồng, chăm sóc các loại hoa lan Phi điệp, địa lan kiếm đột biến quý hiếm cho hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình hiệu quả này đã được vận dụng và nhân rộng với các quy mô khác nhau. Ở thành thị xuất hiện mô hình vườn lan treo trên mái tầng thượng, ở nông thôn xuất hiện những trang trại hoa lan với quy mô hàng hóa. Dần dần đến nay hình thành một thị trường rất sôi động.


Vườn lan Dương Thảo là một địa chỉ gặp gỡ giao lưu của nhiều người yêu hoa lan.


Ông Nguyễn Văn Dương rất tích cực tham gia các công tác thiện nguyện cộng đồng.

PV: Vậy ông cho biết cơ duyên nào đã dẫn ông đến với ngành nghề mới này?

Ông Nguyễn Văn Dương: Sau khi tốt nghiệp đại học Mỏ và Địa chất năm 1989, tôi trở về quê phát triển nghề mộc gia truyền của gia đình suốt 25 năm. Nghề mộc vất vả nay đây mai đó phải bám theo công trình ở khắc các vùng miền. Năm 2015, khi nhận làm một công trình ở Hòa Bình, tôi được tận mắt chứng kiến nhiều loại phong lan rừng đẹp mê hồn và hương thơm thật quyến rũ. Vẻ đẹp và hương sắc của loài hoa Vương giả này ngày qua ngày đã ngấm và trở thành đam mê hoa lan mãnh liệt kể từ đó. Ban đầu tôi nuôi trồng các loại phong lan phổ thông như Hạc vỹ, Tam bảo sắc, Quế lan hương...Đầu năm 2017, tôi dành một khoản tiền để mua một Kie 5 cánh trắng Hiển Oanh (HO). Khi mua về cả gia đình bạn bè mắng trách là "ngộ lan", "dở hơi"...Sau một năm, từ Kie lan HO ban đầu đã cho lợi nhuận trên 60 triệu tiền Kie giống; năm 2019 bán tiếp được 1,5 tỷ đồng tiền Kie giống và đến năm 2020 thì bán được trên 3 tỷ đồng tiền Kie giống HO, chưa kể các loại lan VAR khác. Từ những thành công thuyết phục ban đầu, tôi đã mở rộng đầu tư, mạnh dạn nuôi trồng nhiều giống lan quý khác, đến nay tôi đã có một cơ ngơi là khu vườn quy mô 430 m2 với hàng chục loại lan quý có giá trị hàng chục tỷ đồng.


Ông Nguyễn Văn Dương luôn sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm cho bạn bè.

PV: Từ thành công của bản thân ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành hoa lan?

Ông Nguyễn Văn Dương: Thật ra, nếu không kinh qua những trải nghiệm trong nghề thì rất khó ai tin được sự thay đổi của gia đình tôi nhờ cây lan trong 5 năm qua. Nửa đời người gắn với nghề gia truyền của ông cha, miệt mài lao động mà vẫn nghèo khó, vậy mà chỉ có mấy năm đã có bao nhiêu thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần. Chơi lan trước hết là mở rộng được các mối quan hệ rộng khắp cả nước. Đây là một cơ hội rất tốt để trau dồi, cọ sát những hiểu biết của mình. Giới chơi lan cả nước với khoảng 500.000 người là một xã hội thu nhỏ với các ngành nghề, lứa tuổi khác nhau nên bổ sung cho nhau rất nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống từ thông tin, tri thức, công nghệ, thị trường, xu hướng phát triển của xã hội.

Việt Nam là một nước nông nghiệp, đa dạng sinh học có rất nhiều lợi thế để phát triển những loại hoa bản địa quý hiếm. Hiện tại đô thị hóa phát triển rất nhanh, thu hút đông các nhà đầu tư và du lịch quốc tế, nhu cầu về hoa, về cuộc sống xanh và phát triển bền vững là những tiền đề để phát triển hoa lan nói riêng, hoa cây cảnh nói chung thành một ngành công nghiệp không khói.

Đến nay nước ta, theo thống kê của ngành nông nghiệp thì mỗi người dân hàng năm chi cho nhu cầu hoa trang trí hơn 2 USD một người, nếu nhân với 100 triệu dân là 200 triệu USD. Đây là một con số không hề nhỏ. Nếu chúng ta, đạt đến ngưỡng chi tiêu cho nhu cầu hoa trang trí trong khu vực và trên thế giới là 10 - 15 USD/người thì đây là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt, chúng ta cần nhìn nhận sâu xa hơn, đây là một ngành nghề nội địa, nguyên liệu bàn đầu bản địa, nhân công, vật tư, giá thể phục vụ nuôi trồng trong nước nên khi ngành lan phát triển sẽ kéo theo một loạt các ngành khác phát triển theo. Đây chính là cái gốc của sự phát triển bền vững.


Với ông Nguyễn Văn Dương, hoa lan là sự kết nối các tiềm năng để phát triển.

PV: Ông phản biện như thế nào trước thông tin gần đây cho rằng kinh doanh hoa lan đột biến là một ngành ảo nhiều rủi ro?

Ông Nguyễn Văn Dương: Như tôi đã nói ở trên, nếu so sánh sự thành công của những người nuôi trồng hoa lan với những người sản xuất các loại cây trồng thuần túy khác rõ ràng là một sự chênh lệch quá xa. Chính sự chênh lệch đó khiến cho những người ngoài cuộc hoài nghi về sự phát triển của nó là không bình thường. Nhưng hãy nhìn nhận một cách khoa học và hệ thống thì chúng ta sẽ thấy sự phát triển đó là hoàn toàn có cơ sở. Không phải đến bây giờ mà từ xa xưa các sản phẩm từ hoa, từ tự nhiên vẫn là những thứ xa xỉ. Đến thế giới hiện đại ngày nay ở các nước phát triển thì nước hoa, tinh dầu hoa, biệt dược từ hoa vẫn là thứ rất đắt đỏ. Với bất kỳ ngành nào không riêng gì ngành hoa lan, khi hoạt động sản xuất, mua bán trao đổi tuân theo quy luật cung cầu và các quy luật phổ biến khác của thị trường và các quy định của pháp luật thì nếu có yếu tố ảo sẽ bị điều tiết và loại trừ sau một thời gian rất ngắn. Ở đây là một ngành đã có truyền thống phát triển lâu đời, được nhà nước xác định là một ngành, một lĩnh vực được quan tâm đầu tư phát triển thì yếu tố ảo (nếu có) sẽ không thể là phổ biến được.


Hoa lan không chỉ có giá trị tinh thần mà còn có giá trị vật chất rất lớn.


Hoa lan giúp ông Nguyễn Văn Dương có điều kiện chăm lo tốt hơn cho gia đình nhỏ của mình cũng như có điều kiện đóng góp với cộng đồng.

PV: Vậy theo ông nhà nước cần phải làm gì để thúc đẩy ngành này phát triển với tư cách một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao?

Ông Nguyễn Văn Dương: Theo tôi được biết thì không phải đến bây giờ mà cách đây hơn 20 năm Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển Rau, Hoa quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp; Ngày 08/06/2004, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 116/TB - VPCP về phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao; Gần đây, Chinh phủ đã ban hành Nghị định số 52 và Nghị định số 57 năm 2018 về một số chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, trong đó có hoa cây cảnh. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, tín dụng để phát triển hoa lan với tư cách là mặt hàng chủ lực của địa phương. Khi các chính sách đã có như trên, thì các ngành các cấp cần hướng dẫn triển khai đồng bộ để tạo điều kiện cho ngành hoa lan phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh của nó. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền định hướng dư luận cũng như quản lý thông tin có liên quan để tránh việc thông tin một chiều, thông tin không khách quan gây hoang mang cho các nhà đầu tư và nhà vườn sinh sống bằng nghề này.

Ông Nguyễn Văn Dương bên cây lan Phi Điệp đã thay đổi cuộc sống của gia đình ông.

PV: Còn với những người sản xuất, nuôi trồng và làm dịch vụ hoa lan ông có lời khuyên gì với họ?

Ông Nguyễn Văn Dương: Theo tôi ngành nghề nào muốn thành công cũng cần một một sự đầu tư bài bản, có hệ thống cả về thời gian, công sức, trí tuệ, sự trải nghiệm và không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích ứng kịp với những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Không nên có tư duy đầu cơ chụp giất lượt sóng, tồn tại trên những thất bại của người khác mà phải có tư duy cộng đồng, phát triển trên sự thành công của người khác. Lấy việc việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và hướng phát triển bền vững của ngành nghề làm thước đo của sự thành công trong sản xuất, nuôi trồng và làm dịch vụ hoa lan. Tôi nghĩ giá trị trên một đơn vị hoa lan, dù là hoa thường hay hoa lan đột biến sẽ ngày càng có xu hướng giảm đi theo thời gian khi cung đã đuổi kịp cầu, nhưng những nhu cầu về các sản phẩm từ hoa lan sẽ ngày càng được mở rộng. Nếu tư duy mở như vậy, chúng ta sẽ có cách thức tiếp cận mở và sáng tạo sẽ không ngừng để thúc đẩy ngành hoa lan phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Một số thông tin, hình ảnh về ông Nguyễn Văn Dương (Vườn lan Dương Thảo) có địa chỉ Facebook: https://www.facebook.com/vuonlanduongthao

(Địa chỉ: Xóm 3 Hội Xá, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội; ĐT: 091268069)

Trung Hoàng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư