e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Doanh nghiệp lo không theo kịp chính sách thuế xuất - nhập khẩu

21:48 | 04/08/2015 Print
- Đa số các doanh nghiệp đều lo lắng việc thay đổi thuế suất thường xuyên sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp mong biểu thuế ổn định

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) do Tổng cục Hải quan phối hợp với USAID tổ chức sáng nay (ngày 4/8), ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam) bày tỏ lo ngại khi chính sách thuế xuất - nhập khẩu thay đổi thường xuyên, liên tục. Vì Petrolimex hiện là doanh nghiệp thực hiện xuất - nhập khẩu xăng dầu rất lớn và đóng góp số tiền thuế xuất - nhập khẩu không hề nhỏ.

“Quan điểm sửa Luật thuế xuất - nhập khẩu là không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu. Nhưng, chúng tôi rất lo ngại thuế suất thay đổi thường xuyên, gây khó cho doanh nghiệp tính toán giá vốn hàng hóa”, vị đại diện Petrolimex nêu ý kiến.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hùng, chính sách thuế xuất - nhập khẩu nên được giữ ổn định thuế suất xuất - nhập khẩu trong thời gian dài.

Vị này cũng đồng tình quan điểm xây dựng biểu thuế, thuế suất theo Phương án 2 vì sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm thiểu tác động từ thay đổi chính sách thuế.

Ngoài ra, đại diện Petrolimex cũng lo lắng Điều 16 của Dự thảo đã chuyển hàng hóa tạm nhập - tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc. Trong khi, Luật Quản lý thuế 2012 (Điều 10) lại chưa điều chỉnh, mà vẫn xác định là đối tượng chịu thuế xuất - nhập khẩu.

Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đưa ra 2 phương án về thẩm quyền xây dựng biểu thuế, thuế suất. Cụ thể:

Phương án 1: Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu. Bộ Tài chính căn cứ vào nguyên tắc ban hành biểu thuế suất (được quy định tại luật), mức thuế suất tối thiểu do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành để quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, phương án này cơ bản như hiện hành và có ưu điểm là đảm bảo tính kịp thời trong việc xây dựng mức thuế suất tương ứng với từng thời kỳ. Tuy nhiên, phương án này có điểm hạn chế là tính ổn định của biểu thuế không cao, dễ phát sinh các ý kiến trái chiều khi quy định mức thuế suất giữa các bộ, ngành và các doanh nghiệp có liên quan.

Phương án 2: Thẩm quyền của Bộ Tài chính (tại phương án 1) được giao cho Thủ tướng Chính phủ. Với ưu điểm tạo ra sự ổn định cao hơn của biểu thuế, đây là cũng phương án được Bộ Tài chính kiến nghị lựa chọn.

Cùng góp ý về nội dung này, đại diện Công ty Honda Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật đã đưa ra thẩm quyền và nguyên tắc ban hành biểu thuế, tuy nhiên việc giám sát thực hiện nguyên tắc này ra sao cùng cần được đưa vào dự thảo Luật. Bởi thực tế hiện nay, nhiều khi Biểu thuế được ban hành không thống nhất với nguyên tắc ban hành biểu thuế. Ví dụ tiêu biểu nhất là việc áp thuế linh kiện và động cơ ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.

Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu động cơ nguyên chiếc được tính thuế nhập khẩu 0% thì Công ty Honda nhập linh kiện lại chịu thuế 5%. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi đã đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và nguồn lao động… Vì vậy, dự thảo Luật cần đưa rõ nguyên tắc giám sát việc xây dựng biểu thuế.

Trước những ý kiến nêu trên, bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế xuất - nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, thực tế, các doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh khi tạm nhập khẩu hàng hóa trong khi cơ quan hải quan phải theo dõi sổ sách kế toán số tiền thuế này làm tăng chi phí quản lý thuế.

Từ kinh nghiệm quốc tế, các nước đều quy định hàng tạm nhập - tái xuất không phải nộp thuế trong thời hạn nhất định nhưng phải tái xuất đúng thời hạn và đảm bảo bằng một khoản tiền đặt cọc tương đương nghĩa vụ thuế phải nộp, hoặc số tiền cọc nhất định.

Do đó, dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi quy định này bằng việc chấp nhận bảo lãi ngân hàng hoặc tiền đặt cọc tương đương số tiền thuế của hàng tạm nhập - tái xuất.

Về lo lắng của doanh nghiệp tại Điều 16 và Điều 10, theo bà Nhụ, doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm vì khi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới này ra đời, Điều 10 của Luật Quản lý thuế 2012 đương nhiên không còn hiệu lực.

Ưu tiên giãn thời hạn nộp thuế: Mới chỉ dành cho doanh nghiệp lớn?

Cũng giới thiệu về những điểm mới trong Dự thảo lần này, bà Lỗ Thị Nhụ cho biết, doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên có thể nộp thuế cho hàng xuất - nhập khẩu theo định kỳ thay vì phải trả ngay khi thông quan. Tuy nhiên, đây là điều kiện được một số ý kiến đánh giá là khá hẹp khi chỉ có vài chục doanh nghiệp thuộc diện này trên tổng số khoảng 50.000 doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hiện nay.

Theo quan điểm của ngành hải quan, hiện có 35 doanh nghiệp ưu tiên với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 58 tỷ USD. Đây là những doanh nghiệp được đánh giá là tuân thủ pháp luật về thuế, kế toán, thống kê, thủ tục thuế điện tử…
Bởi vậy, nếu quy định các doanh nghiệp này phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng như các doanh nghiệp trên theo đại diện Tổng cục Hải quan là chưa phù hợp.

Hướng sửa đổi được đưa ra là doanh nghiệp chỉ phải kê khai nộp thuế 1 tháng 1 lần và không phải trả phí bảo lãnh, tiền chậm nộp. Thay đổi mới này được chuyên gia kinh tế Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID thẳng thắn đánh giá cao. Theo ông, đây đang là cách quản lý hiện đại mà nhiều nước đã đưa vào Luật.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng tỏ ra băn khoăn bởi với thời hạn nộp thuế 1 tháng 1 lần trên chỉ áp dụng với tỷ lệ doanh nghiệp rất nhỏ trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước.

"Những đối tượng này tập trung phần lớn vào doanh nghiệp lớn bởi trong điều kiện xác định doanh nghiệp ưu tiên hiện có đặt ra yêu cầu về quy mô về kim ngạch tối thiểu (phải đạt từ 50-200 triệu USD/năm tùy loại hình doanh nghiệp). Đây là vấn đề sẽ chưa thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi phần lớn đều không thể đáp ứng được yêu cầu quy mô như trên", ông Bình nói.

Vấn đề ông Bình nêu ra cũng nhận được sự đồng tình của đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam. Theo đại diện hiệp hội này, điều kiện trong dự thảo luật có thể mở rộng ra những doanh nghiệp chưa trong diện ưu tiên nhưng thường xuyên được phân loại hàng hóa trong luồng xanh và thực hiện tốt các quy định của pháp luật, thủ tục hải quan.

Đưa ra thêm ý kiến, chuyên gia Phạm Thanh Bình dẫn quy định một số nước cho phép thời gian nộp thuế có thể sau 10 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa, thông quan.

Điều này được ông đánh giá là có thể giúp giải quyết thủ tục vướng mắc thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng như quy định hiện tại của Việt Nam./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư