Chính phủ ra tay “gỡ” gánh nặng nợ nần cho Nông trường sông Hậu

07:08 | 08/10/2015 Print
- Để chuyển đổi Nông trường sông Hậu, theo UBND Cần Thơ, Chính phủ cần xóa khoảng 150 tỷ đồng nợ tồn đọng nhiều năm nay tại Nông trường này.

Còn nợ gốc khoảng 150 tỷ đồng

Lý giải nguyên nhân không thực hiện cổ phần hóa Nông trường sông Hậu và để Nhà nước nắm giữ 100% vốn ít nhất đến năm 2020, theo lãnh đạo của UBND Cần Thơ, do đặc điểm sở hữu đất đai ở nông trường này rất khác so với nông trường của những địa phương khác trong cả nước, nên việc cổ phần hóa có thể xảy ra tranh chấp đất đai, thậm chí có thể xảy ra bất ổn đến tình hình kinh tế, chính trị của địa phương.

Bên cạnh đó, một vướng mắc khác khiến việc chuyển đổi thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu kéo dài từ năm 2009 đến nay chưa được giải quyết dứt điểm được chỉ rõ là chủ yếu là “kẹt” ở phần nợ vay ngân hàng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nông trường sông Hậu lại liên tục thua lỗ trong nhiều năm nên không đủ điều kiện chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV theo quy định.

Cụ thể, theo báo cáo ngày 27/11/2009, Nông trường làm ăn không hiệu quả, bị thua lỗ, tổng lỗ lũy kế là 280,3 tỷ đồng, trong đó có các khoản nợ ngân hàng tính đến nay là hơn 151 tỷ đồng (tính cả lãi suất là hơn 290,4 tỷ đồng).

Giá trị toàn bộ tài sản nông trường chỉ có 67,4 tỷ đồng. Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cần Thơ đã khởi kiện Nông trường sông Hậu ra tòa dân sự về việc vay nợ quá hạn, kéo dài không thanh toán.

Vì thế, đến nay UBND Cần Thơ đã liên tục có văn bản đề xuất, Chính phủ xóa khoảng 150 tỷ đồng nợ tồn đọng nhiều năm nay tại Nông trường sông Hậu.

Và, ý kiến của Chính phủ

Thành lập 4/1979 từ vùng đất hoang hóa ngập nước, nông trường sông Hậu đã nhanh chóng huy động các nguồn lực để khai hoang, tổ chức sản xuất trên tổng diện tích gần 7.000ha, với hơn 2.500 hộ nông trường viên. Sau 10 năm xây dựng nông trường đã cơ giới hóa gần như toàn bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 1992, nông trường được phép thành lập doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất giống và thực phẩm nguyên liệu, chế biến nông - thủy sản, sản xuất kinh doanh gỗ nguyên liệu, hàng may mặc, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, thi công xây dựng, thủy lợi, công nghiệp...

Nếu được cổ phần hóa chuyển đổi thành công ty sẽ tạo được một vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng với quy mô lớn sẽ là cầu nối trong mối liên kết ba nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nông dân trong chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cao tiên tiến …

Tuy nhiên, trước sự loay hoay nhiều năm không thể chuyển đổi mô hình của Nông trường sông Hậu, vừa qua, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến về xử lý nợ để chuyển đổi Nông trường sông Hậu.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Cần Thơ căn cứ Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ chỉ đạo Nông trường sông Hậu lập Đề án về sắp xếp, đổi mới Nông trường sông Hậu và xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc Thành phố, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để giải quyết những vướng mắc tài chính đang tồn tại, Phó Thủ tướng cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ Khoản 6 Điều 23 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014 của Chính phủ để xử lý các khoản nợ vay của Nông trường sông Hậu tại các tổ chức tín dụng theo quy định.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có giải pháp tái cơ cấu nợ, hỗ trợ xử lý khó khăn về tài chính để thực hiện chuyển đổi Nông trường sông Hậu theo quy định./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư