e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Gỡ khó trong tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa

16:46 | 05/11/2015 Print
- Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, hiện 90% vốn của DNNVV là dựa vào vốn vay, nhưng lượng vốn ngân hàng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu vay của doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Viện Tin học doanh nghiệp (VCCI) tổ chức sáng 5/11, PGS. TS Lê Thị Kim Nhung, Trường Đại học Thương mại chi biết, hiện số lượng DNNVV chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. DNNVV là lực lượng đặc biệt quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế với việc tạo ra 45%-50% khối lượng hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đóng góp 40% GDP và khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, DNNVV cũng có đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm mới cho hơn 51% lực lượng lao động, giúp xóa đói giảm nghèo.

Ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh SME, ngân hàng VPBank phát biểu tại diễn đàn

Trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Quốc hội, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, thận trọng, hiệu quả, kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý nhằm góp phần ổn định thị trường tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng. Đồng thời, chính sách tín dụng không ngừng được hoàn thiện theo hướng nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụn trong việc quyết định cho vay đối với khách hàng, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Có thể khái quát qua 3 điểm chính:

Thứ nhất, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát tốt lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá, quản lý thị trường vàng đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Thứ hai, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, thông qua việc cho phép các tổ chức tín dụng được tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu vay ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa để sản xuất kinh doanh mà có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ; tích cực triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành cả nước; triển khai, nhân rộng chương trình bình ổn thị trường…

Thứ ba, tích cực triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù đối với DNNVV trong một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn…

Nhờ đó, theo TS. Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, dư nợ vay của các DNNVV không ngừng tăng trưởng qua các năm và luôn duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tính đến đến cuối tháng 10/2015, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng Phát triển Việt Nam) ước đạt 817.500 tỷ đồng, tăng 9,8% so với 31/12/2014. Trong đó, dư nợ cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản đến 31/10/2015 ước đạt 66.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với 31/12/2014. Nợ cơ cấu đến cuối tháng 10/2015 đối với lĩnh vực tôm và cá tra khoảng 2.000 tỷ đồng.

“Đối với gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, đến 30/9/2015, có 31.087 khách hàng được ký hợp đồng, tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt hơn 21.567,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 71,8% tổng nguồn vốn dành cho chương trình, tăng 123% so với 31/12/2014. Giải ngân theo tiến độ dự án đạt 13.176,5 tỷ đồng”, ông Đông cho biết.

Tuy nhiên, hiện các DNNVV vẫn đang gặp không ít khó khăn để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hiện 90% vốn của DNNVV là dựa vào vốn vay, nhưng lượng vốn ngân hàng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu vay của doanh nghiệp. Hơn nữa, các khoản vốn doanh nghiệp được ngân hàng cho vay hầu hết là vốn ngắn hạn, còn vốn trung và dài hạn gần như không có.

Nguyên nhân chính khiến DNNVV luôn gặp trở ngại trong tiếp cận vốn do không còn đủ tài sản thế chấp, báo cáo tài chính cũng không đủ tin cậy, không có kiểm toán độc lập. Trong khi khối doanh nghiệp này lại rất dễ tổn thương khi thị trường có biến động. Điều này lý giải vì sao các ngân hàng thương mại dè dặt với nhóm khách hàng này, dù thực tế DNNVV chiếm tỉ lệ rất lớn, là xương sống của nền kinh tế.

Các ngân hàng cũng muốn giúp doanh nghiệp khi thấy vai trò tiềm năng của họ nhưng cũng không thể bỏ qua nguyên tắc quản lý rủi ro. Bởi nếu không quản lý rủi ro thì ngân hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu, thậm chí phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật.

“Để các DNNVV dễ dàng tiếp cận hơn nguồn vốn ngân hàng, Quốc hội và Chính phủ cần có luật riêng về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Đồng thời, nhà nước cần khôi phục lại một cách mạnh mẽ quỹ bảo lãnh tín dụng, mở rộng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp để giúp cho doanh nghiệp có lực để thêm điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Kiêm kiến nghị.

Ngoài ra, với biện pháp “mưa lâu thấm áo”, ngân hàng cần đồng hành cùng doanh nghiệp. Hai bên cùng ngồi lại, nếu nhìn thấy có tính khả thi thì ngân hàng nên châm trước cho vay để doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.

“Các doanh nghiệp nên cố gắng trở thành một phần của chuỗi cung ứng của những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu như Vinamilk hay làm doanh nghiệp hỗ trợ cho những thương hiệu lớn như Samsung… để nâng cao tín nhiệm của bản thân doanh nghiệp”, ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển kinh doanh SME thuộc ngân hàng VPBank gợi ý.

Theo ông Tuấn, việc tham gia chuỗi cung ứng của những doanh nghiệp lớn này sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao mức tín nhiệm của mình. “Khi đã có tín nhiệm, các ngân hàng tự đến cho doanh nghiệp vay thậm chí không cần tài sản bảo đảm chứ không cần đi tìm vốn ở đâu”, ông Tuấn phân tích./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư