e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Hỗ trợ DNNVV: Tầm nhìn và hành động

10:24 | 04/06/2016 Print
- Việc hỗ trợ DNNVV phần lớn mới chỉ dừng lại ở mặt chính sách, chưa thực sự đi vào thực tiễn, giống như “đào được mương, nhưng không dẫn được nước”.

Ngày 03/06/2016, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa – Tầm nhìn và hành động”.

Chính sách hỗ trợ còn hình thức, bất cập

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Khương, Trưởng Phòng Phát triển DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác hỗ trợ DNNVV ở Việt Nam mới được triển khai trong khoảng 15 năm, đánh dấu bằng sự ra đời của Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV, tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV như chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại; hình thành bộ máy hỗ trợ DNNVV ở Trung ương và các địa phương; các kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm giai đoạn 2006-2010, giai đoạn 2011-2015; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV...

Tuy nhiên, việc hỗ trợ DNNVV phần lớn mới chỉ dừng lại ở mặt chính sách, chưa thực sự đi vào thực tiễn, giống như “đào được mương, nhưng không dẫn được nước”.

“Chính sách hỗ trợ còn chồng chéo, dàn trải, nhiều bộ, ngành thực hiện, nhưng không có quy định cụ thể về đối tượng hỗ trợ là DNNVV, chính vì vậy rất khó để khối doanh nghiệp này tiếp cận được, thậm chí trong nhiều trường hợp hỗ trợ lại rơi vào các doanh nghiệp lớn”, ông Khương cho biết.

Cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bà Quách Thị Chi, đại diện cho một doanh nghiệp ở Thanh Hóa cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban ra chưa trúng và chưa đúng với kỳ vọng của doanh nghiệp. Trên thực tế, DNNVV không những không được hỗ trợ mà doanh nghiệp còn bị phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước, khiến các doanh nghiệp này khó lại càng thêm khó.

Gỡ vướng về chính sách cho DNNVV

Nhận định về vấn đề này, TS. Lê Hồng Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, thực tế hiện nay đang có sự bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh đối với DNNVV trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Sơn nêu ví dụ về quy định điều kiện lượng xe tối thiếu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng các điều kiện về số lượng xe tối thiểu (20 xe). Điều kiện kinh doanh taxi ở Hà Nội phải có trên 50 xe và phải xin logo “Taxi Hà Nội”. “Việc này không phù hợp với điều kiện Việt Nam, gây sức ép về kinh phí cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh, buộc doanh nghiệp đang hoạt động phải đáp ứng, biểu hiện độc quyền, lợi ích cục bộ”, ông Sơn bức xúc.

Để minh họa cho vô số các tồn tại, hạn chế ở các văn bản của các bộ ngành, kể cả của UBND các tỉnh, thành phố cản trở doanh nghiệp tiếp cận cơ hội doanh, ông Sơn cũng nêu ra hoạt loạt các ví dụ điển hình khác, đặc biệt là ở các văn bản hướng dẫn luật như các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành. Theo ông, đây là quy định mang tính “xin-cho”, ảnh hưởng quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng cơ hội kinh doanh và giảm cơ hội cạnh tranh giá của doanh nghiệp.

Đồng tình với các chia sẻ này, Ông Lê Văn Khương cho biết, “thương hiệu” Nghị quyết 19 qua các “phiên bản” năm 2014, 2015 và 2016 thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là cùng với những tác động tích cực của Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ thể hiện mạnh mẽ sự quyết liệt đổi mới, xây dựng Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển.

Việc cho ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV này kỳ vọng mang lại cú hích cho DNNVV.

Nhận định vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ DNNVV, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, nên chăng Nhà nước tham gia vào quá trình kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là bảo hộ cho họ. Các hỗ trợ cho DNNVV là cần thiết, nhưng không nên tràn lan và mang tính chất Nhà nước cho doanh nghiệp, vì dễ tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại với nguyên tắc thị trường và các hiệp định quốc tế như TPP, WTO…

"Điều đó có nghĩa là việc xây dựng chính sách hỗ trợ DNNVV cần phải được thực hiện theo những nguyên tắc như đánh giá tác động đối với các quy định khác của pháp luật; tác động đến các điều ước quốc tế; tác động tới kinh tế và ngân sách và tác động đối với xã hội", ông Bình nhấn mạnh.

Chủ yếu là làm tốt khâu thực thi

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều, nhưng còn ít có hiệu quả, vấn đề chủ yếu nằm ở khâu thực thi. Hiệu quả thực thi còn rất hạn chế, chưa mang lại tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn, tự tin hơn trong cạnh tranh và hội nhập.

PGS, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, trên thực tế, lo lắng nhất ở Việt Nam hiện nay không phải là chính sách không tốt mà là thực thi như thế nào. Bởi có rất nhiều luật, chính sách bản chất là tốt, nhưng vì thực thi làm bóp méo đi nên trở thành rào cản cản trở doanh nghiệp.

Theo đó, PGS, TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, cần phải có những biện pháp cải thiện tính liêm chính của cán bộ trong thực thi chính sách pháp luật, trong đó nhấn mạnh đến việc xử phạt nghiêm khắc đối với những cán bộ thực thi làm sai./.

Về quan điểm này, ông Lê Văn Khương cũng nhận định, ở khâu thực thi còn nhiều vướng mắc, bất cập. Để thúc đẩy việc thực thi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, Nghị quyết 35 đã có hẳn một phần về cơ chế đối thoại công khai để kịp thời, nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (ít nhất 2 lần/năm) và giao trách nhiệm cụ thể này cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Vì vậy, doanh nghiệp gặp khó khăn gì thì phải trao đổi, phản ánh với cơ quan nhà nước ở địa phương để kịp thời tháo gỡ. Đặc biệt là Nghị quyết này cũng đưa ra cơ chế giám sát, công khai việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của VCCI để theo dõi.

Định hướng chính sách DNNVV

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV và đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để xây dựng phù hợp, hỗ trợ tốt nhất cho nhất cho sự phát triển của các DNNVV.

Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra một số nguyên tắc, định hướng xây dựng Luật này như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DNNVV; hỗ trợ có chọn lọc, có mục tiêu qua lựa chọn DNNVV, có tiềm năng phát triển; công khai, minh bạch, bình đẳng trong hỗ trợ; Nhà nước dành kinh phí và huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ DNNVV; thống nhất, đồng bộ trong các chương trình hỗ trợ DNNVV.

Việc cho ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV này kỳ vọng hạn chế được những điểm bất cập của chính sách hỗ trợ thời kỳ trước, từ đó sẽ mang lại cú hích cho DNNVV.

Đa phần ý kiến của các doanh nghiệp tham dự hội thảo mong muốn, bên cạnh chính sách, Luật Hỗ trợ DNVVN cần được cụ thể chi tiết hóa, chính xác nhất. Quá trình thực thi Luật vào thực tế phải đảm bảo tính minh bạch, liêm chính. Muốn doanh nghiệp minh bạch thì cần những cán bộ minh bạch, phải giảm bớt các thủ tục hành chính, cần chế tài xử lý những cán bộ cố tình cản trở sự hỗ trợ doanh nghiệp. Một doanh nghiệp cũng nêu, chính sách cần được hoạch định chi tiết có chính sách chung, riêng…tránh tình trạng luật chồng chéo, ngáng chân nhau.

Ông Lê Văn Khương cũng lưu ý đối với các đại biểu, đó là: “Hỗ trợ của Nhà nước là hỗ trợ có điều kiện, có chọn lọc. Vì vậy, việc làm cấp thiết của khối doanh nghiệp này là phải minh bạch hóa hoạt động, bởi sổ sách không minh bạch thì cơ quan hỗ trợ cũng chịu”.

Doanh nghiệp phải có ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh. Không ít doanh nghiệp làm ăn kiểu “chụp giật”, ngắn hạn, đầu tư rủi ro cao, đến khi thất bại, phá sản lại đỗ lỗi cho môi trường kinh doanh không tốt, không lành mạnh. Như vậy là không công bằng. Hỗ trợ cũng phải cần lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực, tiềm năng thực sự, chủ doanh nghiệp có mong muốn vươn lên, phát triển thì hỗ trợ đó mới có hiệu quả./.

Kim Hiền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư