e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Sắp có “siêu ủy ban” quản lý doanh nghiệp nhà nước

14:49 | 19/07/2016 Print
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó, Dự thảo quy định thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp.

Theo Dự thảo Nghị định, Ủy ban sẽ chỉ quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước đối với 30 doanh nghiệp trong các lĩnh vực, như: điện lực, dầu khí, than khoáng sản, dệt may, viễn thông, hóa chất, cà phê, đường sắt, hàng hải, hàng không… Các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban cấp tỉnh thì vẫn do cơ quan này quản lý. Các doanh nghiệp quốc phòng và an ninh sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước là do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Các bộ quản lý ngành, chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.

Mục đích thành lập Ủy ban là quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, góp phần phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả và sử dụng nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao sức mạnh quốc gia và phúc lợi xã hội.

Ủy ban sẽ là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực. Ủy ban không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chịu sự đánh giá, giám sát của Chính phủ, của Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo toàn, phát triển và tối đa hóa giá trị tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chịu sự đánh giá, giám sát của nhân dân, báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội trong đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trong thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp.

30 doanh nghiệp nhà nước sẽ chịu sự quản lý của "siêu ủy ban"

Chức năng của Ủy ban là đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiêp trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước được giao quản lý; chuyên trách thực hiện đầy đủ tất cả các quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, trừ các quyền thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các luật có liên quan; trực tiếp hoặc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách sở hữu nhà nước; tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp nhà nước; đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế.

Nhiệm vụ của Ủy ban là thực hiện các quyền sở hữu có liên quan, Ủy ban sẽ xây dựng kế hoạch 05 năm và hàng năm trình Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước. Thực hiện các hoạt động tái cơ cấu lại vốn theo phương án được Chính phủ phê duyệt; xây dựng danh mục đầu tư, đánh giá hiệu quả hoạt động; tổng hợp và công bố thông tin liên quan; kiến nghị với Chính phủ các vấn đề liên quan. Ủy ban cũng có nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, thừa ủy quyền báo cáo Quốc hội các hoạt động định kỳ, hoặc đột xuất các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tham gia góp ý xây dựng các dự thảo quy định; quản lý tài chính, lao động, tiền lương…

Ủy ban sẽ có quyền thành lập mới doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương đã được Thủ tướng phê duyệt, Ủy ban sẽ quyết định các vấn đề theo đề nghị của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty như vốn điều lệ; điều lệ hoạt động; tổ chức lại hoặc chuyển đổi, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Ủy ban cũng có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… Chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc… Ngoài ra, còn có các nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, như: chiến lược, kế hoạch phát triển; phương án huy động vốn; dự án đầu tư, mua bán trong và ngoài nước; góp vốn, chuyển nhượng vốn; báo cáo tài chính…

Về cơ cấu tổ chức, theo dự thảo, Ủy ban có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức Ủy ban gồm: (1) Ban Đầu tư tài chính; (2) Ban Phân tích, dự báo, kế hoạch và đầu tư chiến lược; (3) Ban Đầu tư phát triển hạ tầng và năng lượng; (4) Ban Công nghệ thông tin và truyền thông; (5) Ban Công nghiệp chế tác; (6) Ban Đầu tư và Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp; (7) Văn phòng Ủy ban; (8) Tổ chức Đảng, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác; (9) Hội đồng tư vấn độc lập gồm các chuyên gia kinh tế, quản lý doanh nghiệp độc lập; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Lãnh đạo Ủy ban trong việc rà soát, có ý kiến trước khi Lãnh đạo Ủy ban ban hành cơ chế, chính sách đối với khối doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp quản lý; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chính phủ sẽ thực hiện giám sát tình hình thực hiện và nhiệm vụ được giao trong quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp bằng phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong, giám sát sau.

Nội dung của giám sát gồm: tình hình thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; việc tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Nghị định cũng nêu rõ các tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của Ủy ban, đó là: Mức độ hoàn thành các chỉ tiêu được giao về hiệu quả tài chính, hiệu quả xã hội và mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Mức độ hoàn thành kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc diện quản lý; Tính hợp pháp, hợp lý và cẩn trọng của các quyết định chủ sở hữu do cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thực hiện trong kỳ báo cáo./.

Kim Hiền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư