e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước “vẫn” chậm

16:58 | 15/07/2016 Print
- Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, song, đến nay, việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn chậm tiến độ.

“Ì ạch” tái cơ cấu

Theo Báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2016 và thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2016 vẫn chậm so với cùng kỳ năm 2015, cổ phần hóa mới chỉ bằng 71%, thoái vốn bằng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với cổ phần hóa, trong 6 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 28/06/2016), cả nước đã cổ phần hóa 38 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 63 doanh nghiệp, đang xác định giá trị doanh nghiệp của 77 doanh nghiệp, đã công bố giá trị doanh nghiệp của 28 doanh nghiệp.

Về thoái vốn nhà nước, 6 tháng đầu năm 2016, trong cả nước có Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Hà Nội thực hiện bán vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp khác với tổng giá trị theo sổ sách là 871,6 tỷ đồng (bằng 11,6% so với cùng kỳ năm 2015), thu về 2.710,4 tỷ đồng, bằng 3,1 lần giá trị sổ sách.

Quá trình thoái vốn 6 tháng đầu năm cho thấy, phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp đang quản lý đất đai ở những vị trí đắc địa hoặc quản lý tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản đã bán được với giá trị gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách. Điển hình như: Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên (giá trị sổ sách 31 tỷ đồng, bán được 1.000 tỷ đồng, gấp 32 lần); Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo (giá trị sổ sách 16 tỷ đồng, bán được 109 tỷ đồng, gấp 6,8 lần)...

Trong 6 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 28/06/2016), cả nước đã cổ phần hóa 38 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập

Về bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), từ ngày 01/01/2016-20/06/2016, có 46 doanh nghiệp nhà nước IPO, với 563 triệu cổ phần, tổng giá trị là 5.629 tỷ đồng. Kết quả đấu giá bán được 383 triệu cổ phần (đạt 68% tổng số cổ phần bán ra), thu về 5.418 tỷ với 1.564 nhà đầu tư trong nước và 4 nhà đầu tư nước ngoài trúng giá.

Nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm

Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, 6 tháng cuối năm cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, đôn đốc các bộ sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp quy về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước một các đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/03/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, đề án về sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra.

Thứ hai, trong quý III, Bộ Tài chính xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước để rà soát, bổ sung danh sách doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quý III).

Trong tháng 7, lập danh sách những doanh nghiệp đã cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu, nhưng số cổ phần bán ra chưa đạt tỷ lệ theo phương án đã phê duyệt và đề ra lộ trình tiếp tục bán vốn nhà nước báo cáo Thủ tướng, đồng thời theo thẩm quyền chỉ đạo tiếp tục bán vốn nhà nước theo lộ trình đề ra...

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020; Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hoàn thành việc rà soát đất đai, đo đạc, cắm mốc, xây dựng phương án sử dụng đất và cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất; Sắp xếp, đổimới các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ tư, Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Thứ năm, tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 và Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 118/2014/NĐ-CP.

Thứ sáu, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, kết quả thoái vốn nhà nước, tình hình xử lý vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là việc cổ phần hóa doanh nghiệp quy mô lớn; cổ phần hóa và chuyển các công ty nông, lâm nghiệp thành công ty TNHH 2 thành viên. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt...

Thứ bảy, chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước./.

Kim Hiền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư