Habeco và Sabeco khó lên sàn năm nay

07:53 | 05/10/2016 Print
- Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết việc lên sàn nếu chậm cũng chỉ sang quý I/2017. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016, trả lời về tiến độ niêm yết của Habeco và Sabeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thực hiện văn bản của Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai nhanh chóng đưa lên sàn chứng khoán 2 doanh nghiệp này, thì Bộ đã thành lập ban chỉ đạo và đang rất quyết liệt làm sao để đưa lên sàn sớm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Song như Thứ trưởng Vượng cho hay, khi triển khai thực hiện thì các thủ tục mất rất nhiều thời gian. Việc lên sàn theo quy định phải mất 12-14 tuần. Trong khi đó đối với Habeco trước đây có nhà đầu tư chiến lược là Carlsberg, việc giải quyết vướng mắc với Carlsberg mất rất nhiều thời gian. Do đó, khả năng lên sàn của 2 doanh nghiệp này trong năm nay là khó khăn. Nhưng nếu có chậm, Thứ trưởng Vượng khẳng định cũng chỉ sang quý I/2017.

Thứ trưởng Vượng cũng cho biết, về truy thu tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của Habeco và Sabeco đã hoàn thành, hai doanh nghiệp này đã nộp theo đúng kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Như vậy vấn đề truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt không phải là lý do để ảnh hưởng tới tiến độ niêm yết hai doanh nghiệp này trên sàn chứng khoán.


Dây truyền sản xuất của Habeco

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là cương quyết sắp xếp lại các DNNN, trong đó có việc bán phần vốn của Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp này. Chủ trương nhất quán là minh bạch, công khai bán cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nguyên tắc bán là phải đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư.

Việc Habeco và Sabeco lên sàn chứng khoán chậm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng đây là lỗi của 2 doanh nghiệp vì đã cổ phần hóa lâu rồi nhưng không lên sàn chứng khoán. Muốn bán phần vốn, nguyên tắc là các doanh nghiệp này phải lên sàn chứng khoán, phải có tư vấn đấu thầu để xác định giá trị trước khi bán với nguyên tắc bán cho doanh nghiệp nào có điều kiện mua được giá cao nhất, không có lợi ích nhóm trong bán cổ phần của doanh nghiệp. Mục tiêu là mang lại cho Nhà nước Việt Nam lợi ích cao nhất, không bán chỉ định, không bán giới hạn, ai có giá cao nhất người đó mua.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Thủ tướng đã giao cho Habeco và Sabeco phải niêm yết lên sàn chứng khoán và thực hiện trong năm 2016, nếu thực hiện chậm, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng. Còn Habeco và Sabeco sẽ có trách nhiệm kiểm điểm trước Bộ Công Thương về việc chậm trễ, không minh bạch vì nếu lên sàn chứng khoán là tạo ra sự minh bạch nhất, mọi nhà đầu tư có thể lên sàn chứng khoán theo dõi, xem xét.

Theo kế hoạch, Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước (9.000 tỷ đồng) trong năm 2016. Còn Sabeco sẽ thực hiện thoái vốn theo 2 đợt. Trong đó, đợt 1 sẽ thoái 53,59% vốn nhà nước nắm giữ, tương ứng 24.000 tỷ đồng và thực hiện trong năm 2016. Số cổ phần còn lại sẽ thoái vốn trong đợt 2, tương đương giá trị khoảng 16.000 tỷ đồng. Hiện nhiều hãng bia lớn trên thế giới đang xếp hàng để được mua cổ phần của Sabeco, trong đó có các “đại gia” như Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch và SABMiller của Mỹ, Asahi và Kirin của Nhật Bản Singha và Thai Beverage của Thái Lan.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dự kiến cuối tháng 10 các cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho Thủ tướng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn để cồ phần hóa doanh nghiệp, vấn đề bán vốn tại các DNNN không cần nắm giữ. Nguồn lực khi bán các nguồn vốn tại các DNNN không cần nắm giữ chính là nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển những dự án, nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ phải chọn trong nhiệm kỳ 2016-2020./.

A.Đ

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư