e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

1 năm gia nhập AEC: Không nhiều dấu ấn đậm nét!

23:06 | 28/12/2016 Print
- Năm đầu tiên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trôi qua với ít dấu ấn mang thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, AEC vẫn là động lực để Việt Nam tiếp tục đổi mới, thích ứng và đi lên.

Đây là nhận định của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, tại hội thảo “Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Nhìn lại một năm thực hiện AEC và ra mắt Cổng thông tin AEC cho doanh nghiệp”, ngày 28/12/2016.

Xuất - nhập khẩu sang Asean đều giảm

Đánh giá kết quả đạt được sau 1 năm gia nhập AEC, ông Hoàng Văn Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, chúng ta đã rất kỳ vọng AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội và kích thích sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Asean. Tuy nhiên, qua một năm thực hiện, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có xu hướng giảm so với năm 2015. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu, như: dầu thô, sắt thép… giảm mạnh, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng giảm.

Năm 2016, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa sang Asean của Việt Nam tiếp tục giảm

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cũng cho biết, năm 2016, nếu nhập khẩu của Asean vào nước ta giảm khoảng 1,9%, thì xuất khẩu giảm khoảng 5,6%. Điều này chứng tỏ, thị trường rất lớn với 625 triệu dân, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, khảo sát của VCCI vào đầu năm 2016 cho thấy, có gần 94% doanh nghiệp biết về AEC, tuy nhiên biết rõ thì chỉ có 16,44%. Nguyên nhân là các thông tin chung chung về AEC đã được báo chí đưa nhiều, nhưng những thông tin cụ thể, cốt lõi tác động trực tiếp đến doanh nghiệp thì chưa có.

"AEC mở ra một thị trường rộng lớn, nhưng đó cũng là thị trường của hàng triệu doanh nghiệp khác. Nếu không có thông tin về AEC, doanh nghiệp Việt Nam không có công cụ để ra ngoài", bà Trang nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Tương, đại hiện Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, công tác tuyên truyền về AEC còn chưa đầy đủ, chưa làm cho mọi người hiểu các cơ hội, thách thức, cũng như cách thức tận dụng AEC như thế nào.

“Tuyên truyền nặng về cam kết của ta với nước ngoài, chứ không tuyên truyền nhiều về những gì nước ngoài cam kết với chúng ta. Trong khi đây là điều doanh nghiệp cần nhất”, ông Tương bức xúc.

Tuy nhiên, ông Tương cũng thẳng thắn thừa nhận lỗi một phần là do bản thân các doanh nghiệp. “Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tự đi tìm hiểu cho đầy đủ về AEC”.

Ở góc độ chuyên gia, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, Việt Nam chưa tận dụng được AEC là do doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về nó.

“Tuyệt đại đa số người dân biết về AEC, nhưng hiểu rõ thì ít. Cảm nhận tích cực về AEC, nhưng tuyệt đại đa số đều hoài nghi về lợi ích AEC, thì làm sao có thể tận dụng được”, ông Thành nhấn mạnh.

Biến thách thức thành cơ hội

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, AEC được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015. Đến nay, sau một năm gia nhập, những tác động của AEC đối với Việt Nam không có nhiều dấu ấn đậm nét. Tuy nhiên, AEC vẫn là động lực để Việt Nam tiếp tục đổi mới, thích ứng và đi lên.

Để tận dụng được các cơ hội từ AEC, ông Andrew Holt, đại diện của Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần sửa đổi và ban hành mới các chính sách để thực hiện những cam kết theo từng lĩnh vực, ngành cụ thể. Điển hình là dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và viễn thông.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng kiến nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước Asean. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cung cấp cho doanh nghiệp một công cụ tìm kiếm thông tin hữu ích về AEC.

“Với lý do, Cổng thông tin về AEC của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ww.aecvcci.vn được ra đời. Đây là một trong các kênh thông tin và tư vấn về AEC của VCCI”, bà Trang cho biết.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về cơ hội thị trường hơn nữa. Bởi, “nếu chủ động, thì có tới 9%-10% lợi ích từ AEC rơi vào người Việt Nam”.Chuyên gia Thành cũng cho rằng, Nhà nước, cũng như doanh nghiệp đã quá chú trọng vào việc xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, với thị trường 625 triệu dân, thì có đến 50% thuộc tầng lớp trung lưu, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác các cơ hội từ việc xuất khẩu các dịch vụ, thay vì lối mòn là hàng hóa./.

Cổng thông tin về AEC bao gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt, sẽ giới thiệu đầy đủ, chi tiết các văn kiện pháp lý cơ bản của AEC, cũng như cập nhật thông tin về tình hình thực thi các văn kiện này của Việt Nam. Cổng thông tin cũng cung cấp các hướng dẫn chi tiết, giới thiệu các công cụ tra cứu và các nội dung cần thiết khác để doanh nghiệp có thể tận dụng và hiện thực hóa cá cơ hội từ AEC. Ngoài ra, Cổng thông tin còn bao gồm rất nhiều các nội dung hữu ích khác, như: tin tức và số liệu cập nhật về việc thực hiện AEC, các bài báo, bài nghiên cứu đánh giá tác động của AEC, ấn phẩm và sự kiện nổi bật liên quan đến AEC…

Kim Hiền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư