Cạnh tranh bằng thương hiệu giúp doanh nghiệp hội nhập sâu rộng hơn

00:11 | 21/04/2018 Print
- Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Bối cảnh đó đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có những chiến lược phù hợp với xu thế chung để tồn tại và phát triển.

Ngày 20/04, Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Thương hiệu với hội nhập và Phát triển xuất khẩu bền vững” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề thương hiệu.

Toàn cảnh Diễn đàn

Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, ông Ngô Chung Khánh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sự tham gia ký kết các hiệp định thương mại tư do thời gian qua của Việt Nam, mới đây nhất nhất Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã khiến việc xây dựng thương hiệu quốc gia cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Bởi lẽ việc mở cửa thị trường cùng nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% sẽ khiến sản phẩm nước ngoài vốn đã có uy tín và chất lượng toàn cầu sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy doanh nghiệp nội nếu không có thương hiệu sẽ thua ngay trên sân nhà.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong khi việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, thì thời gian gần đây, có một số đối tượng làm ăn không trung thực đã “phá” rất nhanh lòng tin người tiêu dùng về thương hiệu đã được xây dựng trong hàng chục năm qua.

Có thể kể tới vụ việc lụa Khải Silk trà trộn bán hàng Trung Quốc, hay gần đây nhất, cà phê – mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng khi cơ quan quản lý phát hiện một cơ sở sản xuất ở Đắk Nông đã trộn lõi pin vào cà phê.

Bên cạnh đó, TS. Thành cũng cho rằng, Việt Nam đang có sự chậm trễ trong việc xây dựng thương hiệu. Nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu rất lớn, nhưng vẫn chưa có được thương hiệu, khiến giá trị gia tăng hàng hóa giảm đáng kể.

Theo đó, việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, có ý nghĩa lớn để nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng hóa xuất khẩu để hàng hóa đó có thể thực sự có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Trong khi đó, PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng chia sẻ, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng lại không có thương hiệu, nhãn mác, thậm chí là ẩn dưới tên gọi của 1 quốc gia khác.

Minh chứng cho việc còn thiếu quan tâm trong việc xây dựng thuơng hiệu của doanh nghiệp, ông Thịnh cho biết, khảo sát của Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đối với 300 doanh nghiệp trong năm 2018, tỷ lệ quan tâm đến thương hiệu vào khoảng 64,5%; vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ chiếm tỷ lệ 29% doanh nghiệp được khảo sát.

Gợi ý cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu trong thời hội nhập , PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho biết, muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm thì chất lượng sản phẩm chưa đủ, mà còn phụ thuộc cách thức bán hàng, phong cách bán hàng.

Khách hàng có cả trăm lý do khác nhau để lựa chọn sản phẩm/thương hiệu. Khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm nào có nhiều thông tin, thông tin tin cậy nhất và họ thường dựa vào thương hiệu để lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc tạo dựng giá trị cảm nhận về sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, theo chuyên gia thương hiệu Nguyễn Quốc Thịnh, việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp để tăng giá trị gia tăng, thúc đẩy xuất khẩu là rất cần thiết trong tiến trình hội nhập. "Hiện phần lớn doanh nghiệp nước ta có quy mô vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính yếu nên chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho xây dựng thương hiệu. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước", ông Thịnh nhấn mạnh./.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QÐ-TTg, ngày 25/11/2003 là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ.

Từ năm 2008, ngày 20/4 hàng năm chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam.

Nhờ hiệu quả của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó có bước đi đúng hướng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị trí trên thị trường trong nước.

Năm 2008, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã bình chọn được 30 doanh nghiệp tiêu biểu và đến năm 2016, con số này lên tới 88 doanh nghiệp.

Thông qua Chương trình, nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện một số thương hiệu lớn của Việt Nam đã được thế giới biết đến và được định giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD, như: Viettel, Vinamilk, Hòa Phát…

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư