Cổ phần hóa và thoái vốn DNNN "ì ạch": Các chuyên gia bắt bệnh, kê đơn!

00:27 | 13/06/2018 Print
- Tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn DNNN bắt đầu từ năm 1992, qua 26 năm nhưng tiến trình diễn ra rất chậm chạp. Trong số 12.000 DNNN thì nay còn 6.000 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa.

Tại hội thảo "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Góc nhìn chuyên gia" do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức sáng 12/6, các chuyên gia đã tập trung mổ xẻ các nguyên nhân dẫn đến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn lại ì ạch, từ đó "kê đơn", đưa giải pháp khắc phục các hạn chế.

Toàn cảnh hội thảo

Cổ phần hóa, thoái vốn vẫn… ì ạch

Tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn DNNN bắt đầu từ năm 1992, qua 26 năm nhưng tiến trình diễn ra rất chậm chạp. Trong số 12.000 DNNN thì nay còn 6.000 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa.

Từ thực tiễn triển khai bán vốn nhà nước của SCIC tại các công ty cổ phần, ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) nhận định: “Hiện nay, chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc cân nhắc, hài hòa giữa các mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước với việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược giúp cho phát triển doanh nghiệp”.

Theo báo cáo của Quốc hội khóa XIV về cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011-2016, trong số 426 doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Điều này đã dẫn đến một thực tế đáng lo ngại là việc tham gia vào Hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức, dẫn tới việc hạn chế những đóng góp của họ để giúp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Đồng thời, do không có nhiều quyền khi tham gia hội đồng quản trị, các nhà đầu tư cũng không mặn mà với các đợt thoái vốn, bán vốn của SCIC.

Và, nỗi lo… mất thương hiệu Việt hiện hữu

Tại Hội thảo, PGS, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh nhiều lần rằng, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính – tiền đề cho tương lai phát triển bền vững.

Theo ông Ngô Trí Long, việc giữ gìn thương hiệu không chỉ đơn thuần là giữ giá trị, tài sản liên quan đến thương hiệu đó, mà còn là một bài toán mang tầm quốc gia.

Tuy nhiên, dù Chính phủ đã có chính sách bảo vệ thương hiệu của DNNN, nhưng trong thực tế triển khai vẫn chưa đạt kết quả, do thiếu vắng những nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư có khả năng đáp ứng được mục tiêu bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.

Lấy ví dụ trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam – một thương hiệu điện ảnh có tuổi đời gần 60 năm, với nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim và cũng không mặn mà phát triển sản xuất phim, ông Long nhấn mạnh rằng, vụ thoái vốn DNNN này cũng làm dấy lên dư luận về tính nhất quán của quá trình thực hiện mục tiêu chính sách về bảo vệ ngành nghề kinh doanh chính, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa.

…do nhiều nguyên nhân

Là người tham gia thoái vốn, bán vốn, ông Lê Song Lai cho biết, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung mang tính nguyên tắc. Đồng thời, Chính phủ cũng chủ trương “khó đâu gỡ đó”.

Vì thế, trong quá trình thực hiện, các DNNN thường phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh, kéo theo nhiều bất cập.

Cùng với đó, quy trình 3 bước (đấu giá -> chào giá cạnh tranh -> thỏa thuận) khiến cho quá trình bán cổ phần nhà nước sẽ bị kéo dài vì phải thực hiện thêm một bước chào bán cạnh tranh trước khi được bán thỏa thuận, trong khi bản chất chào bán cạnh tranh cũng gần giống như đấu giá.

Các quy định về đặt cọc cổ phần cũng nhiều bất cập. Ví dụ nhà đầu tư phải đặc cọc bằng tiền đồng Việt Nam tạo thêm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài. Hay xảy ra tranh chấp trong quá trình xử lý tiền cọc.

Một số doanh nghiệp từ chối cung cấp đầy đù thông tin để cản trở quá trình thoái vốn.

Nhiều quy định không rõ và cụ thể, không quy định phương pháp giá khởi điểm… lại bị áp lực “không được làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước…” gây rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn.

Nhận xét về quá trình và xu hướng cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua,ở góc độ nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Trung - Giảng viên cao cấp Trường RMIT cho rằng: “Vẫn còn có sự do dự, chần chừ từ một số người ảnh hưởng lớn đến các nhà hoạch định chính sách”.

Nghiên cứu của TS. Trung cho thấy nhiều DNNN chưa được chuẩn bị tốt cho việc chào bán cổ phần lần đầu (IPO).

Đã vậy, "chủ nghĩa thân hữu" còn phổ biến trong việc lựa chọn nhà cung ứng. Định giá tài sản đất đai còn phức tạp… Đó cũng là những nguyên nhân làm cổ phần hóa, thoái vốn chậm chạm.

Cần phải làm gì?

Để có thể tăng tốc cổ phần hóa, thoái vốn thành công, đại diện SCIC kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP. Sớm ban hành Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần.

Cùng với đó, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý công nợ trước khi bán vốn. Đồng bộ hóa giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật quản lý vốn. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trong đó có DATC.

Theo ông Lê Song Lai, bên cạnh yêu cầu tạo lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, bảo đảm quy trình bán vốn công khai, minh bạch, những bài học thành công của SCIC thời gian vừa qua cũng cần được lưu ý.

Cụ thể, cần tổ chức hoạt động bán vốn một cách chuyên nghiệp, lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, tiên phong trong việc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù như: bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán dưới mệnh giá...

Còn ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thì các đợt thoái vốn Nhà nước tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, giúp đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.

Bên cạnh đó, chương trình cổ phần hóa cũng giúp thị trường vốn có thêm nhiều công ty niêm yết, từ đó phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Các doanh nghiệp trên thị trường nhờ đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giúp cơ cấu vốn tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.

Chính vì vậy, dù điều kiện thị trường có thay đổi, Chính phủ vẫn cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình cổ phần hóa, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng các doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn, thì Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thu kịp.

Liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin, bảo đảm cho công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời, ông Vương Tuấn Dương nhấn mạnh, một trong những vấn đề cần được cải thiện hiện nay là công tác thông tin đến công chúng.

“Theo định kỳ 6 tháng, hoặc ít nhất là hàng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về: Kế hoạch cổ phần hóa/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua; những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch” - ông Vương Tuấn Dương đề xuất.

Còn chuyên gia Ngô Trí Long lại cho rằng, với vai trò là chủ thể kiến tạo sự phát triển của quốc gia, Nhà nước cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có khả năng bảo vệ thương hiệu Việt và duy trì ngành nghề kinh doanh chính, dày dạn kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn.

Về vấn đề giữ gìn thương hiệu Việt, chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất, Nhà nước phải có tiêu chí cụ thể để chọn đúng nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu Việt để hậu cổ phần hóa vẫn tiếp tục phát triển thương hiệu đó.

Để làm được điều này, theo ông Ngô Trí Long, vấn đề mấu chốt là nhà nước có thể dựa vào thông tin về truyền thống và lịch sử phát triển thương hiệu địa phương của nhà đầu tư trước đó để đánh giá và đoán định khả năng họ sẽ ứng xử thế nào với các thương hiệu được mua lại.

Trong các biện pháp giữ thương hiệu Việt, một trong các nội dung đang tranh luận liên quan đến thoái/bán vốn nhà nước là việc Nhà nước có thể nắm giữ “cổ phần vàng” thay vì nắm lượng vốn lớn để có quyền phủ quyết.

Bởi, người nắm “cổ phần vàng” có thể không cần cổ tức, nhưng muốn thay đổi thương hiệu phải được người nắm giữ “cổ phần vàng” đồng ý.

Ông Nguyễn Quang Trung - Giảng viên cao cấp Trường RMIT cho rằng, để giữ thương hiệu rất cần loại cổ phiếu vàng này, và Nhà nước phải là người sở hữu.

“Song, đáng tiếc là ở Việt Nam chưa có những quy định về loại cổ phiếu này”, ông Trung tiếc nuối.

Vì thế, trong thời gian tới, nếu xây dựng Luật Cổ phần hóa, cần bổ sung thêm nội dung về cổ phiếu vàng./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư