e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Chỉ có 21% DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

10:06 | 22/08/2018 Print
- Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý

Đó là những thông tin được PGS,TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đưa ra tại Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức vào chiều ngày 21/8/2018.

Chuỗi cung ứng còn rời rạc, lạc hậu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đầu tư ngày càng thuận lợi gắn với lợi thế cạnh tranh và dịch vụ kết nối đã tạo ra những mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Một sản phẩm hoàn toàn có khả năng mang thương hiệu một quốc gia, nhưng lại được sản xuất ở một quốc gia khác và có mặt trên một số thị trường khác nữa. Vì vậy, để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng thì đó là một hành trình mà không phải ai cũng nắm rõ.

Tại diễn đàn, PGS,TS. Nguyễn Văn Nam cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu không còn xa lạ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cách đây 30 năm, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 180 nước và thu hút vốn đầu tư trên 100 quốc gia.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia chuỗi cung ứng thứ cấp, nên giá trị gia tăng không cao. Hiện mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi con số này ở Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%.

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý.

Toàn cảnh diễn đàn

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Nam cho rằng, nền kinh tế thị trường của Việt Nam chưa đạt đến độ chín muồi và đầy đủ. Một trong những yếu kém nổi bật nhất và rõ rệt nhất chính là chuỗi cung ứng hàng hóa. Chuỗi cung ứng hàng hóa ở Việt Nam chưa hình thành một cách đồng bộ và đầy đủ mà phát triển rời rạc và lạc hậu.

Chính vì thế, “khi gia nhập vào nền kinh tế thị trường toàn cầu, chuỗi cung ứng của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu, khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta yếu kém”, PGS, TS. Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam có lợi thế về địa chính trị, dân số trẻ, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức, như: tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao; chi phí điều chỉnh, chi phí tuân thủ, chi phí logistic... cao. Dù doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện nhiều về giá trị gia tăng, song hiện nay mới chỉ có 47% doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận.

Đánh giá về vấn đề này, ông Daniel Wong, nguyên Phó Chủ tịch quản lý logictics và chuỗi cung ứng tại Bắc Thái Bình Dương, Giảng viên đại học Portland cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều “khoảng trống”, đặc biệt là khoảng trống về kiến thức.

Làm thế nào để tối ưu hóa chuỗi cung ứng?

Do đó, để tối ưu hóa được chuỗi cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế, theo PGS, TS. Nguyễn Văn Nam, Việt Nam cần hình thành được một chuỗi cung ứng, hàng hóa không chỉ phục vụ tốt mục tiêu sản xuất trong nước mà phải làm tốt, phục vụ tốt việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế; hiện đại hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là áp dụng được những kỹ thuật mới của Công nghệ 4.0.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Võ Trí Thành cho hay, để thay đổi diện mạo, Việt Nam cần cải thiện được hệ thống logistic, hệ thống phân phối hay cung ứng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao quản trị, bởi nhiều nghiên cứu chỉ ra với việc quản trị tốt, năng suất lao động sẽ tăng từ 10%–15%.

Với mong muốn cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam những giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chiến lược cạnh tranh, ông Jay Fortenberry, một trong 20 nhà quản lý chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới, Giảng viên Đại học Portland và Chủ tịch Fortenberry Group đã chia sẻ, để pháp tối ưu chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chiến lược cạnh tranh, doanh nghiệp cần quản lý được những chi phí liên quan đến chuỗi cung ứng, quản lý được nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần kiểm soát được dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ đó mới có thể tạo ra được lợi nhuận và làm hài lòng các bên liên quan trong chuỗi cung ứng./.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư