e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu

14:46 | 18/06/2019 Print
- Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó với biển đổi khí hậu, cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sáng nay, ngày 18/6, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo "Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp". Hội thảo nhằm cập nhật thông tin chung về chủ trương, chính sách của Nhà nước về biến đổi khí hậu, đồng thời, nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sự gắn kết giữa các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài, nhiều khu vực ven biển có bình độ thấp. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long - một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo tính toán dự báo của các chuyên gia, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10%- 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Quyền

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5-0,70C, mực nước biển dâng khoảng 20cm và hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. Trước những tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ở Việt Nam ngày càng khốc liệt.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, PGS, TS. Lê Xuân Đình cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Cập nhật thêm về những chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Trung Thắng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật chung về biến đổi khí hậu, như: Luật Bảo vệ môi trường 2014; Nghị quyết 24-NQ/TW; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu...

Thực hiện các chính sách trên, nhiều địa phương đã triển khai các dự án để ứng phó với biến đổi khí hậu, như: TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng chống ngập úng và đề án chống ngập cho Cần Thơ, Cà Mau, các thành phố ven biển khác, nhất là ở vùng châu thổ sông Cửu Long.

Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Anh Quyền

Nhận xét về những chính sách của này, ông Nguyễn Trung Thắng cho rằng, mức độ quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu trong việc ban hành chính sách và pháp luật của Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; chưa có văn bản pháp lý nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp. Đông thời, cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào ứng phó với biến đổi khí hậu còn ít.

Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Bàn về vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp, TS. Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED) cho rằng, biến đổi khí hậu cũng mang đến những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Cụ thể, những rủi ro của biến đổi khí hậu, như: trái đất sẽ nóng dần lên, vốn tự nhiên cạn kiệt dần; bão, lụt, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều; thị trường thay đổi lợi thế cạnh tranh, thay đổi nhu cầu cho hàng hóa hay quy trình sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn mang đến rủi ro về danh tiếng, rủi ro chính sách và rủi ro kiện tụng.

Mặt khác, TS. Nguyễn Hữu Ninh cũng cho rằng, bên cạnh những thách thức, biến đổi khí hậu cũng mang đến những cơ hội. Đầu tiên là hội nhập kinh tế toàn cầu để tiếp nhận các mô hình kinh tế, chính sách, tài chính mới. Tiếp đó, là phát triển thị trường, và điểm then chốt nhất mà biến đổi khí hậu mang lại đó là sự đổi mới về công nghệ. Do đó, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng.

TS. Nguyễn Hữu Ninh trình bày về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Anh Quyền

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Phát triển và quan hệ đối tác, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vai trò và sự tham gia của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững được thể hiện qua các hành động của doanh nghiệp, như: tuân thủ pháp luật môi trường và các tiêu chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng trong sản xuất; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh; có các hành động/chương trình cụ thể trong phòng chống biến đổi khí hậu trong chiến lược của công ty; xây dựng các chương trình tổng thể về phòng trừ giảm nhẹ thiên tai; và tham gia các sáng kến của ngành/khu vực về phòng chống biến đổi khí hậu…

Là một trong những doanh nghiệp điển hình tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Đỗ Thị Thu Phương, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường, Ban Công nghệ ,An toàn, Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chia sẻ, thời gian quan PVN đã xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2030, với mục tiêu góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành dầu khí, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 24 -NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, các cam kết quốc tế liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường và kinh tế, xã hội.

Chia sẻ thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), ông Trần Miên, Cố vấn Giám đốc, Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin cho biết, nhận thức được những tác động của biến đổi thời tiết cực đoan đến các vùng hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ năm 2010, TKV đã xây dựng kế hoạch hành động và đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, TKV đã giảm thiểu được các rủi ro, tái sử dụng nhiên liệu, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh...

Cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp

Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó với biển đổi khí hậu, PGS, TS. Lê Xuân Đình cho rằng, cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bổ sung giải pháp, ông Nguyễn Trung Thắng cho rằng, cần nân nhắc, xem xét các tác động của biến đổi khí hậu khi thực hiện Đánh giá tác động môi trường; thực hiện các biện pháp phòng, chống giảm nhẹ thiên tai trong quá trình hoạt động và các biện pháp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng; đầu tư, ứng dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp, mô hình cac-bon thấp, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàng Hải nhấn mạnh, Nhà nước cần tăng cường giám sát thực thi luật pháp môi trường của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường; nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện khung chính sách nhằm thực hiện các mô hình kinh tế mới

Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện ngay các hành động chống biến đổi khí hậu. Cụ thể như: gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tiêu thụ trong sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi dần sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường; kiểm soát hạn chế chất thải, phát thải ; tăng cường sử dụng các loại vật liệu tái chế; tham gia chia sẻ, đóng góp cho các sáng kiến chung./.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư