e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

DN Nhật Bản tại Việt Nam bị giảm doanh thu, ngừng sản xuất ít hơn so với các nước khác

13:54 | 31/07/2020 Print
- Mới đây, Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội đã công bố Kết quả khảo sát nhanh về công tác triển khai kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19. Kết quả cho thấy, ở Việt Nam những doanh nghiệp bị giảm doanh thu hay ngừng sản xuất ít hơn so với các nước khác.

Đối tượng khảo sát của Jetro lần này là 1.974 công ty là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, được thực hiện từ ngày 18/6/2020-24/6/2020.

65% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam giảm doanh thu

Về ảnh hưởng chung do chủng Corona mới, chỉ có 3% công ty trả lời “không ảnh hưởng” và có 96% công ty trả lời “có ảnh hưởng”. Hơn một nửa số công ty “chịu ảnh hưởng nặng nề”(18%) và “chịu ảnh hưởng lớn” (40%). Phân theo ngành có thể thấy, ngành sản xuất có 97% công ty trả lời “có ảnh hưởng”, trong khi ngành phi sản xuất có 94% công ty trả lời “có ảnh hưởng”. Còn phân theo quy mô, 96% công ty lớn trả lời “có ảnh hưởng” trong khi tỷ lệ đó đối với công ty nhỏ và vừa là 94% (Hình 1).

Hình 1: Kết quả khảo sát ảnh hưởng chung do dịch Covid gây ra

Nguồn: Jetro Hà Nội

Về ảnh hưởng tiêu cực, cụ thể là “hạn chế bay, nhập cảnh” (89%) là câu trả lời nhiều nhất và có khoảng 90% công ty trả lời “chịu ảnh hưởng”. Tiếp theo, “hạn chế di chuyển nội địa” là 65%, “thị trường nội địa đình trệ” là 57%, “thị trường nước ngoài (xuất khẩu sụt giảm)” (56%) là câu trả lời của hơn một nửa số công ty có câu trả lời chịu ảnh hưởng.

Trong khi đó, “hạn chế hoạt động kinh doanh do chỉ thị của nhà nước” hay “dòng tiền công ty bị ảnh hưởng xấu” có trên 60% các công ty trả lời “không chịu ảnh hưởng”.

Phân theo ngành, ảnh hưởng “thị trường nước ngoài (xuất khẩu giảm sút)” ở ngành chế tạo (72%) cao hơn 33 điểm so với ngành phi chế tạo (39%). Hạng mục “thị trường nội địa đình trệ”, ngành phi chế tạo (65%) cao hơn 15 điểm so với ngành sản xuất (50%). Trong khi ngành sản xuất có nhiều công ty xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bởi thị trường nước ngoài, thì ngành phi sản xuất có nhiều công ty đáp ứng nhu cầu trong nước chịu ảnh hưởng hơn bởi thị trường nội địa.

Phân theo quy mô, hạng mục “hạn chế di chuyển nội địa” công ty lớn (68%) cao hơn 10 điểm so với công ty nhỏ và vừa (58%) và “thị trường nội địa đình trệ”, công ty hớn (61%) cao hơn 8 điểm so với công ty nhỏ và vừa (53%).

Về doanh thu tại thời điểm hiện tại và dự đoán doanh thu cho cả năm 2020, thì phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản trả lời “giảm”. Cụ thể, doanh thu tại thời điểm hiện tại (từ tháng 1 đến tháng 6/2020) có 65% công ty trả lời “giảm” và chỉ có 13% công ty trả lời “tăng”. Nhìn vào các ngành, đối với công ty có câu trả lời “giảm”, thì ngành sản xuất (68%) cao hơn 7 điểm so với ngành phi sản xuất (61%). Về mức độ tăng giảm doanh thu, có 20% công ty trả lời “giảm 21%~30%”, 18% công ty trả lời “giảm 11%~20%”.

Về dự đoán doanh thu cho cả năm (từ tháng 1 đến tháng 12/2020), 65% công ty trả lời “giảm” và 15% công ty trả lời “tăng”. Phân theo ngành, đối với công ty trả lời “giảm”, ngành sản xuất (68%) cao hơn 5 điểm so với ngành phi sản xuất (63%). Về mức độ tăng giảm doanh thu, có 21% công ty trả lời “giảm 21%~30%”, 20% công ty trả lời “giảm 11%~20%”.

Nhiều doanh nghiệp dự đoán phục hồi kinh doanh vào quý I/2021

Về việc thực hiện nhằm đối phó và phản ứng với ảnh hưởng của dịch Covid, kết quả khảo sát của Jetro cho thấy, câu trả lời nhiều nhất là “đàm phán trực tuyến” (22%). Tiếp đến, “kiểm soát thời gian hoạt động kinh doanh” (14%), “dừng hoặc trì hoãn mở rộng/đầu tư mới” (12%) và có một số công ty đang bị ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Các biện pháp, chính sách đang được xem xét nhiều nhất là “giảm tiền lương/tiền thưởng” (22%), “đánh giá lại sản phẩm/dịch vụ” (20%), “thay đổi/bổ sung nhà cung ứng” (18%), “xem xét lại các đầu mối bán hàng” (18%) (Hình 2).

Hình 2: Tình trạng kiểm tra và thực hiện các biện pháp đối phó dịch

Nguồn: Jetro Hà Nội

Phân theo ngành, “đàm phán trực tuyến (đã thực hiện)”, ngành phi sản xuất (30%) cao hơn 15 điểm so với ngành sản xuất (15%). Ngoài ra, “đánh giá lại sản phẩm, dịch vụ (đang xem xét)”, ngành phi sản xuất (27%) cao hơn 14 điểm so với ngành sản xuất (13%).

Ngành sản xuất đã thực hiện “kiểm soát thời gian hoạt động kinh doanh” là 25% và chiếm một phần tư. Ngoài ra, ngành sản xuất sẽ xem xét “thay đổi nhà cung ứng” là 24% và chiếm một phần tư.

Phân theo ngành sản xuất, có 20% công ty sẽ xem xét “dừng hoặc hoãn đầu tư, mở rộng mới” và “đầu tư thiết bị để tự động hóa, giảm nhân công”. Có 10% (34 công ty) ngành sản xuất chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Đánh giá về khả năng phục hồi về trạng thái trước khi dịch Covid xảy ra, kết quả cho thấy, hầu hết những doanh nghiệp được hỏi đã trả lời thời gian phục hồi sẽ vào "quý I/2021 (tháng 1-tháng 3) (21%)” và hơn 40% các doanh nghiệp dự đoán rằng sẽ mất hơn một năm để phục hồi kể từ khi đại dịch xảy ra. Những công ty dự đoán sẽ phục hồi trước thời điểm cuối năm 2020, bao gồm cả “không bị ảnh hưởng” (13%) và “đã phục hồi” (3%) chiếm 40% (Hình 3).

Hình 3: Đánh giá thời gian phục hồi về trạng thái trước khi dịch Covid xảy ra

Nguồn: Jetro Hà Nội

Nhìn vào các ngành, thì ngành sản xuất được dự đoán có thời gian phục hồi sớm hơn ngành phi sản xuất. Mặt khác, đối với “không bị ảnh hưởng”, “đã phục hồi”, thì ngành phi sản xuất cao hơn ngành sản xuất.

Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đưa ra những nguyện vọng với Chính phủ Việt Nam. Trong số các nguyện vọng, nhiều nhất là “sớm nới lỏng các hạn chế nhập cảnh” (90%), “nhanh chóng khôi phục các chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản” (80%) và rất nhiều doanh nghiệp mong muốn sớm nới lỏng việc đi lại giữa hai nước.

Ngoài ra, có thêm các nguyện vọng, như: “cải thiện và mở rộng hệ thống y tế”, “cung cấp thông in chính xác và kịp thời”, “hỗ trợ tài chính”. Thêm vào đó, “hệ thống trợ cấp lương trong thời gian nghỉ”, “hỗ trợ thu nhập cho người nước ngoài (giảm thuế thu nhập...)”, “sớm gửi thực tập sinh sang Nhật Bản”./.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư