e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Thời gian tới, có thể có những chính sách mới hỗ trợ DN

08:39 | 03/10/2020 Print
- Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã có đánh giá sơ bộ, thể hiện ở ba khía cạnh: Nguồn vốn tín dụng, chính sách tài khoá và hỗ trợ trực tiếp trên ngân sách.

“Tất cả đều có con số, kết quả cụ thể. Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9/2020, chiều ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp sau 9 tháng vẫn còn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp sau 9 tháng vẫn còn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ KH&ĐT sẽ giám sát và báo cáo Chính phủ để có thể có những chính sách mới

“Tuy nhiên, đã đỡ hơn rất nhiều so với đầu năm. Kết quả thể hiện rõ ở mức tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm”, Thứ trưởng Phương cho hay.

Trước đó, báo cáo đầu phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.

Chín tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu thặng dư ở mức 17 tỷ USD. Xuất khẩu quý III có kết quả tích cực hơn so với dự báo trước đây, các tháng quý III có thể đạt 26,6 tỷ USD, tăng đến 34% so với quý II.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phương một số lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn như những doanh nghiệp liên quan đến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp lữ hành du lịch.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng đối với ngành du lịch khi Thủ tướng chỉ đạo 3 tháng cuối năm phải đưa ngành du lịch tập trung trở lại ở góc độ thị trường trong nước”, Thứ trưởng nói.

Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã có đánh giá sơ bộ, thể hiện ở ba khía cạnh: Nguồn vốn tín dụng, chính sách tài khoá và hỗ trợ trực tiếp trên ngân sách.

“Tất cả đều có con số, kết quả cụ thể. Trong đó, có phần giải ngân gói hỗ trợ cho đối tượng xã hội và người lao động bị giảm sâu thu nhập…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các bộ, ngành cũng đang rà soát, báo cáo với Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sẽ có kiến nghị cụ thể đối với tình hình sắp tới, nếu cần sẽ kiến nghị thêm những chính sách mới.

Vừa qua các ngân hàng nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt, giảm rất sâu về lãi suất…

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, nguồn vốn ngân hàng không phải nguồn vốn cho không, mà là nguồn vốn hoàn trả thị trường… Vì thế, 9 tháng vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng là 5%. Đây cũng là mức tăng tích cực.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ giám sát và báo cáo Chính phủ để có thể có những chính sách mới trong thời gian sắp tới”, Thứ trưởng cho biết.

Cũng tại phiên họp, về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó doanh nghiệp Việt Nam không phải là ngoại lệ, đều bị ảnh hưởng.

Vì vậy, ông cho rằng, cần triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh COVID-19 không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.

Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. “Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến”, Thứ trưởng Hải cho biết thêm.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Kỳ vọng năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam

Về thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 và xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ rõ, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…

Cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp), Thứ trưởng cho biết, qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam, họ đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan toả, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam…

“Cùng với chính sách Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, chúng tôi rất kỳ vọng cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hoá việc dịch chuyển của mình”, Thứ trưởng cho biết./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư