EVFTA – Cơ hội và thách thức cho các DN xuất khẩu Việt Nam

17:53 | 25/09/2020 Print
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi hứa hẹn sẽ mang lại nhiều triển vọng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, song, cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường EU.

Thủy sản là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Ảnh: Internet.

Xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu

Mới đây, ngày 01/8/2020, EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam – EU và được ví là “con đường cao tốc hướng Tây", kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới.

Việc EVFTA được đưa vào thực thi có ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, EVFTA cũng mang đến kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các ngành hàng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, đối với mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Còn đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Cũng theo tính toán của Bộ Công Thương, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có Hiệp định.

Cho đến hiện nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay.

Còn đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Nhìn chung, EVFTA sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào và đảm bảo an ninh kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, cùng với các cam kết sâu rộng về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam cũng như thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam.

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu

EU với 27 nước thành viên, dân số khoảng 500 triệu người, năm 2019, GDP của EU đạt 18.292 USD, chiếm 22% GDP toàn cầu, đây là một thị trường rất tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, EVFTA được thực thi, các mặt hàng chủ lực, như: dệt may, da giầy, thủy sản… sẽ là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể:

Đối với ngành dệt may, năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của EU khoảng 250 tỷ USD/năm, chiếm 34% tổng cầu dệt may thế giới. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU năm 2019 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm thị phần 2,2%, xấp xỉ thị phần của Campuchia, đứng sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan. Do đó, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu mạnh cho dệt may Việt Nam vào EU.

Theo cam kết của EVFTA, 42,5% số dòng thuế hàng dệt may vào EU được giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 47,5% số dòng thuế còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, như: đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em…

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến năm 2025, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU sẽ tăng khoảng 67% so với kịch bản khi chưa có Hiệp định. Đồng thời, EVFTA cũng tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Đối với ngành da giày, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đạt 18,3 tỷ USD; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù đạt 3,7 tỷ USD. Tính chung nhóm hàng da giày đạt 22,0 tỷ USD.

Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu da giày quan trọng của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu sang EU đạt 965 triệu USD với mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù và 4,9 tỷ USD với mặt hàng giày dép. Tổng cộng xuất khẩu ngành da giày sang EU đạt 5,88 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng da giày của cả nước.

Ngay khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giầy thể thao, giày vải và giày cao su. Đây là các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

EVFTA cũng hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EVFTA có hiệu lực, bên cạnh hàng loạt sản phẩm thủy sản chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ ngay lập tức về 0%, như: hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm sú đông lạnh (HS 03061792)..., thì những sản phẩm khác, như: tôm, cá tra, cá ngừ... thuộc nhóm có lộ trình giảm thuế trong thời gian 3-7 năm cũng có mức thuế nhập khẩu hấp dẫn hơn. Đồng thời, khả năng tăng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, như: Thái Lan, Ấn Độ… là rất cao.

Hiện nay, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, luôn chiếm 17%-18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường... Do đó, cơ hội để tăng thêm thị phần khi EVFTA có hiệu lực là trong tầm tay các doanh nghiệp ngành thủy sản.

Có thể nói, EVFTA đã thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU, tạo nhiều dư địa tăng trưởng cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU.

Song, thách thức đặt ra là không nhỏ, cần sự chủ động của các doanh nghiệp

Mặc dù mở ra nhiều cơ hội lớn, song, EVFTA cũng đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam với các yêu cầu bắt buộc về rào cản kỹ thuật, như: quy tắc xuất xứ, an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU, đặc biệt là với ngành hàng dệt may, da giày và thủy sản.

Trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu hàng may mặc vào EU đang ngày càng gay gắt, thì các doanh nghiệp ngành hàng dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi, nghĩa là, vải nguyên liệu được dùng để may quần áo xuất sang EU phải được dệt tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên EU, hoặc các nước đã có FTA với EU.

Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam chưa đủ vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vào EU, vải sản xuất trong nước mới đủ đáp ứng 25%-30% nhu cầu. Bên cạnh đó, việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán cạnh tranh với các quốc gia khác.

Cùng với ngành dệt may, những "lo lắng" mà EVFTA mang lại cho ngành da giày cũng không ít. Những quy tắc xuất xứ theo EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn của ngành da giày Việt Nam. Da giày có thuộc da là một trong những công đoạn gây ô nhiễm môi trường. Da thuộc trong ngành da giày cũng tương đồng với yêu cầu xuất xứ của vải trong ngành dệt nhuộm. Vì vậy, ngành gặp khó khăn trong nguồn cung nguyên phụ liệu để có thể đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu xuất xứ khi xuất khẩu theo EVFTA.

Do đó, để tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA, ngành dệt may và da giày cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ để quy hoạch phát triển ngành đi vào thực tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, có chính sách kêu gọi đầu tư sản xuất nguyên liệu để các nhà đầu tư thấy có cơ hội để phát triển nguyên liệu dệt may, da giày tại Việt Nam.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn cung nguyên phụ liệu trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra. Như vậy, các doanh nghiệp mới có thể tận dụng được những cơ hội mà EVFTA mang lại thời gian tới.

Còn với ngành thủy sản, do EU là nước có thu nhập cao (thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD/năm), nên thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. EVFTA hướng tới xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99% số dòng thuế, nhưng nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc, chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Bên cạnh đó, hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt và khốc liệt hơn với hàng thủy sản tại chỗ của các nước mới gia nhập EU và của các công ty xuất khẩu thủy sản mạnh và nhiều kinh nghiệm ngoài EU trong việc xuất khẩu, tìm chỗ đứng và duy trì thị phần tại EU.

Chính vì vậy, để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU, thì về phía Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong EVFTA. Đồng thời, có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng và xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia…

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, cần nỗ lực nghiên cứu thị trường, chủ động tìm hiểu luật pháp, đặc biệt là những thay đổi trong những quy định của EU, tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và chính xác. Ngoài ra, cần nắm vững và hiểu rõ quy tắc xuất xứ của sản phẩm…/.

Tham khảo từ các nguồn

https://www.moit.gov.vn/CmsView-EcoIT portlet/html/print_cms.jsp?articleId=19627

https://baodautu.vn/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam---eu-evfta-du-dia-lon-an-trong-cac-doi-sach-d116931.html

https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/infographic-evfta-tinh-hinh-thuong-mai-nganh-det-may-viet-nam-20200811223057113.htm

Hồng Ánh (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư