Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh

17:05 | 10/11/2020 Print
- Mới đây, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020, trong đó, đã không còn quy định về hộ kinh doanh. Do đó, để tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng cho hộ kinh doanh, việc sớm hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh là cần thiết.

Cả nước hiện có khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh.

Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh hệ thống các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp, thì loại hình hộ kinh doanh là một mô hình pháp lý phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, hộ kinh doanh ngày càng gia tăng về số lượng cũng như ngành nghề kinh doanh và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

Hộ kinh doanh là một loại hình tổ chức kinh tế xuất hiện từ sớm, trước khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời (năm 1990), hộ kinh doanh tồn tại dưới hình thức hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp và lực lượng này chính thức được công nhận bằng Nghị định số 27-HĐBT, ngày 9/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải. Trong giai đoạn này, do điều kiện lịch sử và bối cảnh kinh tế - xã hội hạn chế bởi danh mục cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, nên sự phát triển của hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp còn chậm.

Giai đoạn từ khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (năm 1990) được ban hành cho đến trước khi Luật Doanh nghiệp (năm 1999) ra đời, hộ kinh doanh tồn tại dưới hình thức người kinh doanh, gồm: các cá nhân, nhóm người kinh doanh dưới vốn pháp định và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 66/HĐBT, ngày 02/03/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về cá nhân và nhóm người kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định số 221-HĐBT, ngày 23/7/1991.

Giai đoạn từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp (năm 1999) đến trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp (năm 2005), hộ kinh doanh tồn tại dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, được quy định tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP, ngày 02/3/2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có quy định không cho phép hộ kinh doanh được thường xuyên thuê lao động không phù hợp với thực tiễn hoạt động của hộ kinh doanh. Vì vậy, để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh cá thể phát triển, ngày 02/4/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2004/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh; trong đó, bãi bỏ quy định hộ kinh doanh không được thường xuyên thuê lao động bằng quy định hộ kinh doanh cá thể được thuê không quá 10 lao động. Hộ kinh doanh cá thể có sử dụng trên 10 lao động hoặc có hơn một địa điểm kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Giai đoạn từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp (năm 2005) đến nay, hộ kinh doanh cá thể được đổi tên thành hộ kinh doanh, bổ sung đối tượng một nhóm người làm chủ hộ kinh doanh và sửa đổi quy định việc yêu cầu các hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi (năm 2020), trong đó, bỏ hẳn một chương (chương VIIa) quy định về hộ kinh doanh để xây dựng một luật riêng. Việc này xuất phát từ thực tế số hộ kinh doanh ở Việt Nam là rất lớn so với các doanh nghiệp, bên cạnh đó, bản chất, cách thức và quy mô hoạt động của hộ kinh doanh cũng rất khác so với doanh nghiệp.

Trên thực tế, theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Với khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Các hộ kinh doanh đã đóng góp một phần rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, như: tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; góp phần thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước…

Do vậy, việc xây dựng một luật riêng điều chỉnh hoạt động của hộ kinh doanh là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian chưa có luật riêng điều chỉnh cho hộ kinh doanh, vì vậy, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật đối với hộ kinh doanh. Theo đó, Chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn liên quan đến thủ tục đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh. Vì vậy, trước mắt, việc xây dựng một nghị định quy định về thành lập, hoạt động của hộ kinh doanh là cần thiết để xác lập khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện về hộ kinh doanh;

Thứ hai, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang các hình thức tổ chức kinh doanh quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014;

Thứ ba, nâng cao năng lực tổ chức của các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan và đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo điều kiện thuận lợi cho việc chính quy hóa hộ kinh doanh;

Thứ tư, xây dựng Hệ thống Thông tin đăng ký hộ kinh doanh./.

Hồng Ánh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư