Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

17:03 | 24/12/2020 Print
- Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2020, NHNN đã phối hợp tổ chức gần 20 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên tất cả 6 vùng kinh tế.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, so với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8,63% (chiếm 8,59% tổng dư nợ toàn nền kinh tế); ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% (chiếm 28,38%); ngành thương mại dịch vụ tăng 11,5% (chiếm 63,03%). Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, so với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%... Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

Tín dụng năm 2020 tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên trong nền kinh tế

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, chịu tác động của đại dịch Covid-19, mọi hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng và đình trệ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai phức tạp liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nặng nề tới sản xuất và đời sống của người dân. Hoạt động của ngành ngân hàng bị tác động trên cả 2 khía cạnh. Thứ nhất, cầu tín dụng thấp mặc dù các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, quy mô lớn. Thứ hai, khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, trong đó dư nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid- 19 khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng dư nợ toàn hệ thống; khoảng 45 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ miền Trung, Tây nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gia tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Trước tình hình thực tế trên, NHNN và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, phối hợp tổ chức gần 20 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên tất cả 6 vùng kinh tế để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Theo đó, dù nửa đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm, nhưng đã phục hồi từ tháng quý II khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên trong nền kinh tế.

Năm 2021, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả, có sức lan tỏa; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt và xử lý khó khăn cho khách hàng vay vốn. Cùng với đó sẽ phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của doanh nghiệp, người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen và tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư