Cổ phiếu Ngân hàng Phương Đông giảm gần 20% trong phiên chào sàn

13:44 | 28/01/2021 Print
- TTCK Việt Nam giảm kỷ lục khi VN-Index mất gần 75 điểm vào sáng 28/01/2021, cũng là ngày Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông đưa cổ phiếu OCB vào giao dịch trên sàn niêm yết. Giá OCB cũng giảm kỷ lục 20% ngay phiên chào sàn, ghi một dấu ấn khác biệt so với tất cả các cổ phiếu lên sàn trước đây.

Ngày 28/01/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa 1.095.906.343 cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) vào giao dịch. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu OCB đạt 10.959.063.430.000 đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 22.900 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá +/-20%.

OCB được thành lập vào tháng 06/1996, với vốn điều lệ ban đầu là 70 tỷ đồng. Ngân hàng hiện đã có 134 đơn vị kinh doanh với vốn điều lệ đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của OCB, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng năm 2018, 2019 lần lượt đạt 5.016 tỷ và 6.613 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 1.761 tỷ và 2.582 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng đạt 5.064 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 2.008 tỷ đồng.

Tại buổi lễ trao quyết định niêm yết, lãnh đạo HOSE đã chúc mừng phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu OCB, đồng thời chia sẻ việc đưa chứng khoán lên niêm yết trên HOSE sẽ mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp: lợi thế tiếp cận vốn, nâng cao uy tín và thương hiệu... Với vai trò là đơn vị vận hành thị trường, HOSE luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ của các công ty niêm yết, đặc biệt là nghĩa vụ công bố thông tin, cập nhật các quy định, chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán, tham dự các chương trình đào tạo và cập nhật các thông lệ quốc tế tốt về quản trị công ty, phát triển bền vững.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, hiện tượng nghẽn hệ thống tại sàn HOSE khiến nhiều nhà đầu tư có phản ứng mạnh mỗi khi thanh khoản về gần vùng 16.000 tỷ đồng. Phản ứng chủ đạo là đặt bán để chốt lãi hoặc thoát hàng vì không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi hệ thống giao dịch chưa có hướng xử lý hiện tượng tắc nghẽn. Phản ứng này tạo nên phản ứng dây chuyền, khiến thị trường dễ giảm sâu vì nỗi lo kỹ thuật, chứ chưa hẳn vì yếu tố nội tại của doanh nghiệp hay của nền kinh tế. Nhà đầu tư cũng cho rằng, HOSE cùng các cơ quan quản lý cần sớm đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành hoặc có giải pháp mạnh giải tỏa điểm nghẽn hệ thống. Bởi khi hệ thống còn dễ bị tắc nghẽn thì đó là loại rủi ro rất lớn mà nhà đầu tư đang phải gánh chịu./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư