Hoa Kỳ hủy lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm xuất khẩu của Minh Phú

10:13 | 19/02/2021 Print
- Theo thông tin từ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), ngày 11/2/2021 (tức ngày Mùng 1 Tết Tân Sửu), MPC đã nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại từ Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP), theo đó, CBP đã hủy bỏ Quyết định đã ban hành trước đó vào ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Hoa Kỳ.

Quyết định ngày 11/02/2021 cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác, đồng thời, Minh Phú cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá mà doanh nghiệp đã phải tạm nộp trước đó theo Quyết định ngày 13/10/2020.

“Chúng tôi rất vui và hài lòng với Quyết định trên khi CBP thể hiện sự xem xét thấu đáo, công bằng và đánh giá chính xác về hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả cũng như những nỗ lực hợp tác của Minh Phú trong suốt hơn một năm, kể từ khi CBP đã khởi xướng Vụ điều tra theo Đạo luật Thực Thi và Bảo Hộ (EAPA) vào ngày 09/10/2019”, Tổng Giám đốc MPC Lê Văn Quang bày tỏ.

Trước đó, tại Kết luận ngày 13/10/2020, Cơ quan điều tra EAPA của CBP đã yêu cầu áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ với Minh Phú dựa trên nhận định cho rằng, hệ thống truy xuất của Minh Phú còn có một số lỗi nhỏ, Minh Phú chưa hợp tác đầy đủ vì chưa cung cấp được hồsơ truy xuất chi tiết của từng loại nguyên liệu tôm tới từng chuyến hàng xuất khẩu với thông tin và tài liệu như Cơ quan này yêu cầu.

Ngày 10/11/2020, lãnh đạo Minh Phú đã quyết định nộp đơn khiếu nại hành chính lên cơ quan cấp cao của CBP yêu cầu xem xét lại kết luận nói trên. Theo Minh Phú, kết luận này đã bỏ qua bằng chứng quan trọng nhất là MPC đã có hệ thống truy xuất riêng hiệu quả (dù không theo đúng cách thức mà EAPA yêu cầu) và không sử dụng tôm nguyên liệu Ấn Độ cho hàng xuất vào Hoa Kỳ.

Tại Quyết định ngày 11/02/2021, trên cơ sở khiếu nại của Minh Phú, Cơ quan cấp cao phụ trách về Luật pháp và Phán quyết (Office of Regulation and Rulings) của CBP đã phân tích kỹ lưỡng các bằng chứng và hồ sơ truy xuất nguồn gốc từ tôm nguyên liệu, qua các công đoạn sản xuất và xuất khẩu vào Hoa Kỳ mà Minh Phú đã cung cấp trong suốt Vụ điều tra EAPA từ tháng 10/2019.

Theo CBP, xét đến đặc thù của quá trình sản xuất –xuất khẩu tôm đông lạnh, Minh Phú đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, cho phép tách riêng tôm nhập khẩu và tôm nguyên liệu trong nước cũng như truy xuất từ tôm nguyên liệu tới tôm đông lạnh thành phẩm theo từng thị trường,đã trung thực trong báo cáo và hợp tác với nỗ lực cao nhất trong suốt cuộc quá trình điều tra EAPA.

Các bằng chứng mà Minh Phú cung cấp cho CBP là đáng tin cậy và đầy đủ. Việc Minh Phú chủ động tìm ra và báo cáo các sơ sót (ví dụ:có 13 kg tôm Ấn độ đã lọt vào 1 container hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ) cho thấy Minh Phú đã trung thực và hợp tác đầy đủ với CBP.

Minh Phú đã chứng minh được là Minh Phú không sử dụng tôm Ấn Độ cho sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Do vậy, Kết luận ngày 29/10/2020 yêu cầu áp thuế chống phá giá cho tôm Ấn Độ với Minh Phú vì cho rằng Minh Phú chưa có hệ thống truy xuất hoàn hảo, theo cách thức và tiêu chuẩn do EAPA đặt ra, là không hợp lý và không dựa trên chứng cứ xác thực.Trên cơ sở đó, CBP nhận định rằng, Minh Phú không vi phạm các quy định của EAPA và quyết định hủy bỏ việc áp thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn độ đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Minh Phú.

Quyết định ngày của CBP cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ, mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá

Ông Lê Văn Quang cho biết, để nhận được sự công nhận tại Quyết định của CBP, Minh Phú đã phải nỗ lực xây dựng và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc theo từng loại nguyên liệu, thậm chí từng vùng nuôi,cũng như hệ thống phần mềm lưu trữ và xử lý dữ liệu sản xuất –kế toán hiện đại trong nhiều năm.

“Từ cuối năm 2019, phương pháp phân tách và truy xuất nguồn của Minh Phú đã được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Khí tượng và Đại dương (NOAA), trực thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, dựa trên các yêu cầu của cơ quan này đối với chương trình giám sát nguồn gốc xuất xứ tôm nhập khẩu (SIMP).

Mặt khác, ngay từ tháng 07/2019, trước khi Vụ điều tra EAPA được khởi xướng, mặc dù chưa đủ nguyên liệu để cung ứng theo đơn đặt hàng, lãnh đạo Minh Phú đã quyết định ngừng nhập khẩu tôm nguyên liệu Ấn độ. Thay vào đó, Minh Phú đã quyết định mở rộng vùng nuôi trong nước, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại để đổi mới con giống, công nghệ nuôi”, ông Quang chia sẻ.

Cũng theo Tổng giám đốc MPC, tính đến cuối năm 2020, Minh Phú đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-N-4, từ đó đưa vào vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi của mình là: Minh Phú Kiên Giang (600 hecta) và Minh Phú Lộc An (300 hecta); đồng thời đẩy mạnh hợp tác với một số viện nghiên cứu trong và ngoài nước, như CSIRO (Úc) để hiện đại hóa công nghệ nuôi tôm.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Minh Phú đã và đang thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm trải rộng khắp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nam Bộ Việt Nam, với đa dạng mô hình nuôi tôm bền vững, như 100,000 hecta nuôi tôm công nghiệp, 25,000 hecta nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn, cùng hơn 10,000 hecta diện tích nuôi Tôm-Lúa.

Năm 2020, Minh Phú ghi nhận mức doanh thu thuần gần 9.340 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tập đoàn mẹ đạt 598 tỷ đồng, lợi nhuận ròng là 547 tỷ đồng, đều giảm so với năm 2019. Theo lý giải của Minh Phú, sự giảm sút này là do tác động nặng nề của dịch Covid 19 trong các tháng đầu năm khiến các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Báo cáo tài chính riêng Công ty mẹ quý IV/2020 cho biết, hoạt động kinh doanh quý cuối năm đã ghi nhận ổn định trở lại. Tuy nhiên, mức tăng doanh thu những tháng cuối năm vẫn không đủ bù đắp đà sụt giảm những tháng trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các đơn hàng xuất khẩu. Cụ thể, tính riêng quý IV/2020, doanh thu thuần tập đoàn mẹ Minh Phú là 2.722 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận gộp trong quý IV đạt hơn 203 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, ngày 17/2 vừa qua, HĐQT MPC đã ra Nghị quyết thông qua việc tăng vốn cho Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang nhằm mở rộng diện tích và xây dựng ao nuôi, tiếp tục củng cố và gia tăng diện tích vùng nuôi. Cụ thể mức tăng vốn tương ứng 398,4 tỷ VND từ nguồn vốn góp thêm của MPC, nâng tổng vốn điều lệ của Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang từ 818,6 tỷ đồng lên hơn 1.217 tỷ đồng, chiếm 99,89% tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp. Như vậy, sau khi tăng vốn, bên cạnh tỷ lệ vốn góp gia tăng của MPC trong cơ cấu vốn góp tại Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang, tỷ lệ vốn góp của Tổng Giám đốc Lê Văn Quang giảm từ 0,17% xuống còn 0,11% dù giá trị vốn góp vẫn giữ nguyên 1,35 tỷ đồng./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư