e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Vĩnh Phúc mong sớm gỡ các điểm nghẽn khơi thông chính sách hỗ trợ

10:02 | 18/03/2021 Print
- Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc về hiện trạng tiếp cận các chính sách tại Hội nghị Đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua Covid-19” do VCCI phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức cho thấy, việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn đối với phần lớn doanh nghiệp.

Vĩnh Phúc khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ngay sau khi có Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động, phối hợp các cơ quan tuyên truyền sớm phổ biến các chính sách; chủ động đề xuất với UBND tỉnh, cơ quan cấp trên và trực tiếp ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai, sâu sát đến từng đối tượng, doanh nghiệp.

Hội nghị Đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua Covid-19”

Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với 945 đối tượng nộp thuế, trong đó có 805 doanh nghiệp và hộ gia đình) với giá trị trên 1.200 tỷ đồng. Đồng thời gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô 5.500 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất: 5,4 tỷ đồng.

Ngân hàng nhà nước đã thực hiện miễn, giảm lãi vay cho 1.030 khách hàng, dư nợ đạt 2.890 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp: 203 doanh nghiệp, dư nợ đạt 4.960 tỷ đồng, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể: 827 trường hợp, dư nợ đạt 930 tỷ đồng.

Cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 207 khách hàng, dư nợ đạt 847 tỷ đồng, trong đó: doanh nghiệp là 64 doanh nghiệp, dư nợ đạt 705 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 143 trường hợp đạt 141 tỷ đồng.

Về kết quả cho vay người sử dụng lao động vay trả lương cho công nhân, tính đến 31/3/2020 NHCSXH tỉnh đã thực hiện cho vay 790 lao động, 4 doanh nghiệp với số tiền cho vay trên 3 tỷ đồng.

Đối với các hỗ trợ về lao động, tính đến 8/3/2021, Ban quản lý Các khu công nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành đề xuất UBND tỉnh đề nghị Bộ Công an cho phép nhập cảnh 10 đợt đối với trên 1.600 lao động người nước ngoài là nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao làm việc tại trên 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức tư vấn 30 phiên (4 phiên lưu động) giới thiệu việc làm cho 293 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với số lao động đăng ký1.764 người, tư vấn chính sách lao động việc làm cho 11.252 người; Cấp mới 99 giấy phép, cấp lại 76 giấy phép cho lao động nước ngoài.

Liên quan đến hỗ trợ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, tính đến ngày 16/03/2021, BHXH tỉnh đã xác nhận cho 33 đơn vị có công văn đề nghị xác nhận Danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ không lương cho 1.941 lao động để làm hồ sơ xin hỗ trợ theo quy định như Công ty Cổ Phần Xuân Hòa Việt Nam 106 lao động và Công ty TNHH Astra Visteon Việt Nam 15 lao động, Công ty Cổ phần thực phẩm tốt T-Food 01 lao động, Công ty TNHH TOYOTA BOSHOKU Hà Nội 231 lao động, Công ty TNHH May mặc Việt Thiên 634 lao động...

Vẫn còn rào cản trong tiếp cận đối với doanh nghiệp

Dù các chính sách hỗ trợ được các cơ quan ban ngành địa phương nhanh chóng triển khai, song theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc, trên thực tế, việc tiếp cận của các doanh nghiệp để được thụ hưởng các hỗ trợ từ những chính sách này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập khiến hiệu quả thực thi chưa đạt kỳ vọng mục tiêu đề ra

Cụ thể, rà soát tình hình thực hiện cho thấy ,đối với lĩnh vực hỗ trợ người lao động, phần lớn doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm với doanh nghiệp như: số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp…

Các điều kiện kèm theo đó rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được để có nguồn tài chính hỗ trợ từ phía Nhà nước vì quá khó và chặt chẽ. Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận.

Hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp cho chuyên gia, người lao động và các hoạt động giao thương khác.

Đáng chú ý, Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có dịch Covid19, trong khi đó hệ thống các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lại ra sau và có hiệu lực sau khi tỉnh Vĩnh Phúc hết dịch. Cho nên các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khó tiếp cận chính sách hơn các doanh nghiệp ở các địa phương khác so với cả nước.

Kiến nghị sớm tháo gỡ các điểm nghẽn khơi thông chính sách hỗ trợ

Trước thực trạng này, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc giúp các doanh nghiệp thực sự có thể tiếp cận và hưởng thụ các chính sách hỗ trợ một các hiệu quả, nhiều kiến nghị đã được Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra tại Hội nghị đối thoại.

Cụ thể, đối với các kiến nghị trực tiếp tới Chính phủ, các bộ ngành, Hiệp hôi doanh nghiệp tiếp tục nhắc lại kiến nghị Tổng liên đoàn miễn 2% kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, sớm tham mưu, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn bộ Luật lao động năm 2019 để triển khai đến doanh nghiệp.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực ngân hàng và tín dụng, ngoài các biện pháp hỗ trợ từ ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị tiếp tục xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay từ 1.5-2% cho tất cả các gói cho vay, giảm phí đối với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Đặc biệt, điều kiện, thủ tục cho vay cần đơn giản hơn, tài sản thế chấp linh hoạt hơn, các điều kiện bảo lãnh tín dụng cần nới lỏng hơn nữa vì hiện nay bảo lãnh tín dụng chặt chẽ hơn điều kiện vay ngân hàng.

Về kiến nghị giảm thuế, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị giảm thuế VAT từ 8-10% trong thời hạn từ 3-5 năm nhằm tăng vốn tích lũy doanh nghiệp để tái đầu tư sau đại dịch. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 13-15%, giảm tiền thuê đất trong 2 năm, đồng thời nghiên cứu bỏ một số loại thuế phí tránh chồng chéo.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội từ tiến trình hội nhập, Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP và FTA mới. Tiếp tục duy trì và tìm kiếm các mối quan hệ ngoại giao, trao đổi buôn bán các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp tha thiết kiến nghị tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp chịu thiệt hại từ đại dịch covid 19, chỉ thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Đối với các kiến nghị trực tiếp tới chính quyền địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc nhấn mạnh các đề xuất giãn nợ BHXH và không tính tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian diễn ra dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp sớm tuyển dụng được lao động bù vào sự thiếu hụt sau Tết nguyên đán; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, tăng cường kỷ luật lao động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát nhu cầu nhập cảnh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng; cần cân nhắc, hạn chế đến mức thấp nhất nhu cầu nhập cảnh của các đối tượng đến từ các quốc gia, vùng lãnh thủ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus Sart – Covi2 và đang có diễn biến dịch phức tạp như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Anh, Nam Phi, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm Covid19 cho người lao động.

Đồng thời có biện pháp giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường xuất nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, kích cầu tiêu dùng sản phẩm nội địa, hỗ trợ lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh lại đề nghị cơ quan sở ngành địa phương sớm hoàn thành thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp để đảm bảo thời gian trong việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư