Tăng giá xăng là do diễn biến thị trường thế giới

21:10 | 11/03/2015 Print
- Với việc tăng giá xăng 1.600 đồng/lít từ chiều nay (11/3), sau 1 ngày đề xuất tăng thuế môi trường đối với mặt hàng này lên 3.000 đồng, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, quyết định này không làm đội giá bán lẻ xăng dầu.

Sau hơn 20 lần giảm giá liên tục kể từ tháng 7/2014, theo thông báo của liên bộ Công Thương và Tài chính, kể từ 15 giờ chiều nay (11/3), giá xăng RON 92 và RON 95 tăng 1.600 đồng/lít.

Cụ thể, theo thông báo của Bộ Công Thương, giá xăng RON 92 sau khi điều chỉnh không quá 17.286 đồng/lít; xăng sinh học E5 không quá 16.956 đồng/lít; dầu diesel 0,05 S (lưu huỳnh) không quá 15.883 đồng/lít; dầu hỏa không quá 16.323 đồng/lít và dầu mazút có giá bán lẻ không quá 12.767 đồng/kg.

Như vậy, so với mức giá hiện tại, giá xăng RON 92 tăng khoảng 1.600 đồng/lít (giá xăng RON 95 tăng ở mức tương tự), dầu hỏa tăng 900 đồng/lít; dầu diesel tăng 700 đồng/lít và dầu mazút tăng 900 đồng/kg.

Lần tăng giá này đã chấm dứt chuỗi giảm giá liên tục từ 7/7/2014 với mức 25.640 đồng một lít, xuống còn 15.670 đồng.

Cũng theo thông báo của Bộ Công Thương, việc trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu được giữ như hiện hành. Theo đó, cũng kể từ 15 giờ chiều nay, mức trích quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng là 1852 đồng/lít; dầu diesel các loại là 888 đồng/lít; dầu hỏa là 837 đồng/lít và dầu mazút được trích 927 đồng/kg.

Ngày 24/2, trong bối cảnh giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại, Bộ Công Thương đã cho phép tăng sử dụng Quỹ Bình ổn với các mức 1.350-2.448 đồng một lít, kg để hãm đà tăng giá bán lẻ.

Như vậy, việc tăng giá bán lẻ xăng sau 1 ngày quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 3.000 đồng/lít đã không khỏi làm dấy lên lo ngại của sự tác động nói trên.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Vnexpress, ông Đinh Nam Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, quyết định này không làm đội giá bán lẻ xăng dầu.

Ông giải thích, thuế bảo vệ môi trường, nhập khẩu là những loại thuế cơ cấu trong giá bán xăng dầu. Trong đó, thuế môi trường sẽ tăng gấp ba lần nhưng đồng thời thuế nhập khẩu lại giảm theo cam kết quốc tế. Và theo tính toán của cơ quan này, số thuế nhập khẩu giảm này còn lớn hơn mức tăng từ thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, số thu ngân sách từ xăng dầu bình quân năm (2015-2017) sẽ giảm khoảng 28.253 tỷ đồng, trong đó thuế nhập khẩu giảm khoảng 25.162 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm khoảng 525 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 2.566 tỷ đồng. Trong khi đó, việc tăng thêm 2.000 đồng thuế môi trường mỗi lít xăng chỉ đem về nguồn thu khoảng 23.680 tỷ đồng.

"Như vậy, việc tăng thuế môi trường hoàn toàn không hề làm tăng giá xăng. Nếu có tăng thì đó chỉ là do diễn biến giá trên thị trường thế giới mà thôi", ông Thắng nói.

Do đó, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ nhằm đảm bù đắp khoảng 84% mức giảm thu ngân sách nhà nước khi giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.

Khẳng định việc tăng thuế môi trường là để bù đắp một phần giảm nguồn thu ngân sách nhưng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, chính sách lần này còn nhằm tạo điều kiện việc khuyến khích sử dụng xăng sinh học để giảm mức độ ô nhiễm môi trường./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư