e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Việt Nam đang nhập khẩu dược phẩm nhiều nhất từ Pháp

22:31 | 02/04/2015 Print
- Tiếp tục là một trong những thị trường chủ lực cung cấp hàng dược phẩm cho Việt Nam, với 30,6 triệu USD, Pháp đã “soán ngôi” đầu của Ấn Độ trong 2 tháng đầu năm 2015.

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), đến tháng 2, kim ngạch nhập khẩu hàng dược phẩm chỉ đạt 100,4 triệu USD, giảm 35,4% so với tháng 1.

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 2/2015, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của nước ta đạt 255,8 triệu USD, giảm 2,64% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục là một trong những thị trường chủ lực cung cấp hàng dược phẩm cho Việt Nam, với 30,6 triệu USD, Pháp đã “soán ngôi” đầu của Ấn Độ. Kim ngạch nhập khẩu dược phẩm từ thị trường này chiếm 11,9% tổng kim ngạch, tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ, với 30,4 triệu USD. Tuy nhiên, sau nhiều tháng tăng, trong 2 tháng đầu năm 2015 tốc độ nhập khẩu dược phẩm từ thị trường Ấn Độ lại giảm 25,62%.

Thị trường có kim ngạch đứng thứ ba là Đức, với 23,6 triệu USD, giảm 11,02% so với 2 tháng năm 2014.

Trong 2 tháng đầu năm, 55% thị trường nhập khẩu đều tăng trưởng dương, trong đó nhập khẩu từ thị trường Ba Lan có tốc độ tăng trưởng vượt trội, tăng 111,04%, đạt 6,3 triệu USD, mặc dù chỉ đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng.

Thị trường có tốc độ tăng mạnh lớn thứ hai là Singapore, tăng 101,54%, đạt 2,8 triệu USD.

Trong khi đó, nhập khẩu từ thị trường Nga giảm mạnh nhất, giảm 91,82%, tương đương với 31.900 USD.

Đối với Trung Quốc, mặc dù là thị trường có vị trí địa lý thuận lợi, nhưng nhập khẩu dược phẩm từ thị trường này chỉ đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng và tốc độ nhập khẩu giảm so với cùng kỳ, giảm 22,52%, với 6,2 triệu USD./.

Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu dược phẩm từ 30 thị trường trên thế giới. Trong đó, dược phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm thị phần lớn nhất với 13,1% tổng kim ngạch, đạt 267 triệu USD, tăng 7,75% so với năm 2013. Đứng thứ hai là Pháp, chiếm 11,7%, với kim ngạch 239,4 triệu USD, nhưng so với năm 2013, tốc độ nhập khẩu hàng dược phẩm từ thị trường này lại giảm nhẹ, giảm 4,57%.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư