e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 06 tháng đầu năm giảm 2,8%

17:07 | 02/07/2015 Print
- Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp 06 tháng đầu năm 2015 đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản những tháng đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội và doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Vì vậy, tiêu thụ nông sản (lúa gạo, vải…) đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn 05/12 mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị và kim ngạch xuất khẩu giảm, đó là: gạo, cà phê, chè, cao su, thủy sản.

Trong đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 06 ước đạt 641.000 tấn với giá trị đạt 267 triệu USD, như vậy khối lượng xuất khẩu gạo 06 tháng đầu năm 2015 ước đạt 3,055 triệu tấn với 1,318 tỷ USD, giảm 6,2% về khối lượng và giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

5/12 mặt hàng nông sản chủ lực giảm cả về lượng và giá trị

Thị trường lúa, gạo trong nước tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất ít giao dịch và có chiều hướng giảm. Việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philippines trong cuộc đấu thầu ngày 16/6 không đủ tác động đến diễn biến giá do khối lượng quá nhỏ.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong 05 tháng qua. Đáng chú ý nhất là thị trường Malaysia có sự tăng trưởng đột biến trong 05 tháng đầu năm 2015, tăng gấp 2,84 lần về lượng và gấp 2,33 lần về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Mặt hàng cà phê cũng gặp khó khăn, xuất khẩu ước đạt 106.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD. Như vậy, sau 06 tháng, khối lượng xuất khẩu cà phê đạt 687.000 tấn với 1,419 tỷ USD, giảm 35,8% về khối lượng và giảm 35% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá cà phê trong nước có xu hướng giảm. Lượng hàng bán ra của nông dân chậm do giá chưa được như mức mong đợi và tâm lý tích trữ cà phê, bởi kỳ vọng giá tăng khi sản lượng vụ tới có thể giảm. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Chè cũng là mặt hàng có sự sụt giảm cả về khối lượng và giá trị nhưng mức giảm ít hơn. 06 tháng đầu năm khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 54 nghìn tấn với giá trị đạt 90 triệu USD, giảm 6,7% về khối lượng và 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chè trong nước biến động tăng giảm thất thường, tại Thái Nguyên, sau biến động tăng bởi nhu cầu tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, thì đến nay giá đã giảm dần và ổn định do nhu cầu giảm và sản lượng chè tăng. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, giá chè nguyên liệu liên tục tăng mạnh do thời tiết không thuận lợi cho búp chè phát triển, khiến nguồn cung hạn chế. Mặc dù vậy, giá chè trong tháng vừa qua tại Lâm Đồng đã giảm do nguồn thông tin “xấu” từ phía Đài Loan về sản phẩm. Khối lượng xuất khẩu chè sang Pakistan, thị trường lớn nhất của Việt Nam tăng 49,95% về khối lượng và 49,19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Cao su xuất khẩu vẫn còn có bức tranh màu xám. Sản lượng cao su xuất khẩu vẫn tăng khá mạnh 22,3% nhưng giá trị thu về lại đi xuống 5,1%, do giá cao su đã giảm trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. 06 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cao su đạt 422.000 tấn, giá trị đạt 614 triệu USD.

Cùng khó khăn như các mặt hàng nông sản chính, giá trị xuất khẩu thuỷ sản 06 tháng đầu năm ước đạt 2,97 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,33% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, trong 05 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này vẫn giảm 29,07% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 11,89% và 4,99%.

“Lấy lại đà tăng trưởng trong 06 tháng cuối năm thông qua tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu nông sản” là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị sơ kết 06 tháng và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 01/07/2015.

Bộ trưởng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp đưa ra 09 nhóm giải pháp chính. Trong đó, thực hiện 3 giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, đó là: phải rà soát lại những nhóm sản phẩm có thể mở rộng thị trường, để đẩy mạnh sản xuất; bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tìm hiểu cụ thể từng thị trường xuất khẩu kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về rào cản kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông sản thâm nhập vào các thị trường, mở rộng xuất khẩu./.

Lê Thủy

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư