Giá điện của Việt Nam đang rất... tù mù

06:41 | 02/07/2015 Print
- Những ngày gần đây, hóa đơn tiền điện tăng vọt lên 3 đến 7 lần khiến một lần nữa, câu chuyện về loại hàng hóa chỉ có tăng mà không giảm và thế "độc quyền" của EVN lại một lần nữa được "xới" lên với nhiều bức xúc, nghi ngại...

Cơ quan quản lý giá và "nhà đèn" trần tình về giá điện tăng vọt

Những ngày qua, theo phản ánh của báo chí, nhiều người dân Hà Nội cho biết, từ ngày 16/03, giá điện mới được áp dụng tăng 7,5% thì hóa đơn tiền điện tháng 05 và 06 vừa qua của gia đình họ đã tăng vọt. Không ít hộ tiền điện đã tăng gấp 3 lần, thậm chí, có người còn đưa ra bằng chứng hóa đơn tiền điện của gia đình mình tăng tới 6-7 lần.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính diễn ra chiều ngày 30/06, lý giải về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng vọt, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, về thẩm quyền, Bộ Công Thương mới là cơ quan chủ trì về mặt Nhà nước với mặt hàng điện.

Tuy nhiên, với tư cách cơ quan phối hợp về giá điện, Bộ Tài chính cũng nhận thấy, hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt là do biểu giá lũy tiến đang áp dụng hiện nay. Người dân sử dụng điện nhiều thì đơn giá bị đội lên cao.

“Biểu giá lũy tiến chúng ta đã áp dụng từ lâu và phổ biến với các mặt hàng mà cung lớn hơn cầu, không chỉ với mặt hàng điện mà với cả nước sinh hoạt. Tiền điện tăng cao do nắng nóng, người dân sử dụng nhiều nên theo biểu giá điện lũy tiến, số tiền phải trả tăng lên”, bà Nga nói

Bà Thúy Nga khẳng định: “Nếu có sai sót kỹ thuật trong việc ghi chỉ số điện thì ngành điện phải kiểm tra và xử lý. Còn nếu cách tính giá điện theo lũy kế bậc thang có vấn đề bất hợp lý thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét để sửa đổi trong biểu giá điện thời gian tới”.

Ngay ngày hôm sau, trong buổi giao ban thường kỳ 6 tháng đầu năm tại Bộ Công Thương ngày 01/07, là cơ quan chủ quản, Phó Tổng Giám đốc của EVN, ông Nguyễn Tài Anh cho hay: “Tập đoàn đã giải thích thỏa đáng tất cả những khiếu nại của người dân và khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện”.
Theo vị Phó Tổng Giám đốc của nhà đèn, việc cho khách hàng kiểm soát quá trình ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng nhằm đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động EVN, tránh sai sót, rắc rối có thể xảy ra.

Lý giải về tình trạng một số hộ dân cho biết giá hóa đơn tiền điện tăng, ông Anh cho rằng: “Tập đoàn đã giải thích thỏa đáng tất cả những khiếu nại của người dân và khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện”.

Liên quan đến biểu giá điện tính theo lũy tiến của Bộ Công Thương ban hành khiến nhiều người cho rằng quá cao và là nguyên nhân khiến giá hóa đơn tiền điện gia tăng, ông Anh khẳng định: "Biểu tính giá này được đưa ra và căn cứ trên quy định pháp luật, cũng như chủ trương chính sách của Bộ Công Thương. Do đó, trước những phản hồi của dư luận và các chuyên gia liên quan đến biểu tính giá điện mới, khiến cho giá điện tăng cao, đại diện EVN cho biết đã và đang giải thích cho khách hàng".

Và, biểu giá điện lũy tiến “đáng ngờ” của EVN

Từ trước đến nay, ngành điện cũng đã có không ít câu trả lời về vấn đề này, song thực tế năm nay, mức độ bức xúc của người dân về hóa đơn điện tăng vọt đã lớn hơn rất nhiều so với mọi năm.

Lý do không chỉ là giá điện đã tăng tới 7,5% từ 16/03/2015 mà đi theo nó là biểu giá điện lũy tiến “đáng ngờ” có độ cách biệt khá lớn về giá. Biểu giá điện mới từ 7 bậc rút lại chỉ còn 6 bậc, thêm vào đó, lượng điện giá rẻ bị khống chế thấp xuống chỉ còn 50kWh thay vì 100kWh, khoảng cách tính giá cao cũng được nới rộng ra và tính lũy tiến.

Hiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành chi làm 6 bậc thang. Trong đó: Bậc 1 cho từ 0-50 kWh giá 1.484 đồng/kWh, bậc 2 từ 51-100 kWh là 1.533 đồng/ kWh, bậc 3 từ 101-200 kWh là 1.786 đồng/ kWh, bậc 4 từ 201-300 kWh là 2.242 đồng/ kWh, bậc 5 từ 301-400 kWh là 2.503 đồng/ kWh, bậc 6 từ 401 kWh trở lên giá 2.587 đồng/ kWh.

Theo phản ánh của một số chuyên gia, mức luỹ tiến hiện nay của EVN là quá cao, từ kWh 401 trở lên người dân sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh, khiến chỉ số điện năng có thể tăng gấp đôi nhưng số tiền điện người dân phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần.

Trả lời báo giới, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam còn cho rằng, cách tính giá điện như ở Việt Nam hiện không giống như các quốc gia khác, cách tính này chỉ áp dụng cho các nước đang thiếu điện.

Ông Long cũng cho rằng, hiện nay giá điện đang được tính theo bậc thang đã được Chính phủ quy định do đó cần có thời gian xem xét lại, khó có thể sửa đổi được ngay.

Nguyên nhân sâu xa là do... độc quyền

Thực tế hiện nay, cách hạch toán của EVN còn nhiều bất cập, như dùng lãi của năm này để bù lỗ cho những năm trước đó. Hay khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành cũng đưa vào giá thành. Nếu đi sâu phân tích, đối chiếu biểu đồ so sánh giữa tăng trưởng điện với tăng trường kinh tế sẽ thấy trớ trêu vì chẳng có tương quan với nhau.

Giá điện không minh bạch vì không ai biết tường tận hạch toán của từng khâu, từng loại... Ba khâu chính để điện đến người mua là sản xuất, truyền tải và phân phối. Giá thành EVN đề cập chắc là giá cuối cùng. Họ tính thất thoát điện năng trong khâu truyền tải vào giá thành là đúng nhưng nếu thất thoát do quản lý kém của ngành thì không thể bắt toàn dân phải chịu.

Sản xuất điện thì phải hạch toán từng loại và phải minh bạch theo từng quý, không nên chỉ tính theo năm. Giống như mua tài sản lưu động nhưng giá trị cao thì theo nguyên tắc hạch toán, phải phân bổ dần qua các năm như khấu hao tài sản cố định. Lỗ của thời gian trước cũng vậy, khi có lãi thì phải cắt lỗ dần qua các năm chứ không thể tăng giá điện ào ào để bù như cách EVN vừa làm.

Bởi vậy, Chính phủ cần kiểm soát giá sản phẩm mang tính độc quyền này bằng các chính sách vi mô mang tính hành chính. Đây là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không cho phép doanh nghiệp “phù phép” làm giàu, đồng thời cũng không cản trở sự vận hành hữu hiệu của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Gọi là chính sách vì nó đặt ra khung pháp lý để việc điều chỉnh giá tự vận hành mà không cần đến sự chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp của nhà nước. Để việc điều chỉnh giá theo thị trường, các nước phải dựa vào một ủy ban chuyên gia họp định kỳ, quyết định giá bằng việc áp dụng công thức dựa trên cơ sở kỹ thuật.

Trên công luận, các chuyên gia, người dân góp ý, hiến kế điều hành giá điện đã nhiều. Chính phủ cùng EVN cần nghiên cứu, tiếp thu để đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Giá điện thấp thì không khuyến khích đầu tư, dẫn đến thiếu điện. Ngược lại, giá cao thì lại quá sức chịu đựng của người dân và ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực khác vì điện là hàng hóa đặc biệt.

Trả lời trên Báo Người lao động, ông Nguyễn Bá Vinh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho biết: "Cần phải có bộ máy lãnh đạo đủ năng lực và Chính phủ phải kiên quyết tái cơ cấu EVN để ép họ phải thay đổi, không được trì trệ... thì giá điện mới giảm được". Bởi hiện nay, giá điện mà người dân đang phải trả gánh quá nhiều chi phí không đáng có. Những chi phí vô lý này hoàn toàn có thể loại bỏ được nhưng ngành điện lại chậm triển khai.

Ngoài ra, cách quản lý trong ngành điện cũng chưa hiệu quả, dẫn đến thua lỗ và nhiều thời điểm đã phải tăng giá điện để bù vào. Đến nay, nhiều thông số của ngành điện như phải tốn bao nhiêu than để làm ra 1 KWh điện hay tổn thất ở từng khu vực là bao nhiêu... vẫn hầu như không kiểm soát được.

Trong khi đó, GS, TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển lại cho rằng, biểu giá cần dễ hiểu hơn. Theo đó, ngành điện phải bảo đảm công tác ghi số điện là chính xác, có sự thừa nhận của bên bán và bên mua. Việc này cần sự có mặt của cả 2 bên khi chốt số điện hoặc phải đổi cách thức khác, như sử dụng hệ thống đo đếm điện tử và có thể truy xuất được.

Còn tại Hội thảo Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam tổ chức ngày 01/07, với cái nhìn bao quát hơn, TS. Nguyễn Đình Cung đã thẳng thắn chỉ rõ, thế "độc quyền" của EVN chính là nguyên nhân gây nên nhiều bất cập hiện nay của ngành điện và dẫn tới việc chưa có thị trường điện cạnh tranh thật sự.

Vị Viện trưởng CIEM cho rằng: “Sẽ không có thị trường cạnh tranh nếu EVN ôm hết cả vai trò là nhà sản xuất (doanh nghiệp) và vai trò điều tiết, phân phối, bán lẻ (quản lý nhà nước). Chừng nào chúng ta chưa giải quyết được mâu thuẫn lợi ích trong điều hành quản lý điện của EVN thì chừng ấy chúng ta chưa thể có được thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thể thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư và cung ứng điện”./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư