EVN đưa 3 phương án mới, giá điện sẽ ra sao?

11:04 | 18/09/2015 Print
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa xây dựng xong Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện để lấy ý kiến góp ý. Theo đó, tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, lượng điện sử dụng càng cao áp ở mức giá cao.

3 phương án biểu giá điện mới

Cụ thể, tại bản dự thảo Đề án ngày 16/09/2015, EVN đã xây dựng 3 phương án thay đổi cách tính bậc thang hóa đơn điện. Theo đó:

Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành. Theo đó 50 kWh đầu tiên có mức giá 1.484 đ/kWh; Bậc 2 từ 51-100 kWh có mức giá 1.533 đ/kWh; Bậc 3 từ 101-200 kWh có mức giá 1.786 đ/kWh; Bậc 4 từ 201-300 giá 2.242 đ/kWh; Bậc 5 từ 301-400 kWh có mức giá 2.503 đ/kWh và bậc 6 từ 401 kWh trở lên có mức giá 2.587 đồng/kWh.

Phương án 2: Áp dụng một mức đồng giá 1.747 đồng/kWh, đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.

Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc, mức giá bình quân là 1.747 đồng/kWh, trong đó có 5 kịch bản khác nhau, đó là:

Kịch bản 1: Bậc 1 - 50 kWh có giá 1.484 đồng; Bậc 2 - 250 kWh có giá 1.763 đồng/kWh; Bậc 3 trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.

Kịch bản 2: Bậc 1 - 100 kWh có giá 1.501 đồng/kWh; Bậc 2 - 200 kWh có giá 1.907 đồng/kWh; Bậc 3 - trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.

Kịch bản 3: Bậc 1 - 150 kWh có giá 1.559 đồng/kWh; Bậc 2- 150 kWh có giá 2.007 đồng/kWh; Bậc 3 - trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.

Kịch bản 4: Bậc 1 - 200 kWh có giá 1.584 đồng/kWh; Bậc 2 - 200 kWh có giá 2.325 đồng/kWh; Bậc 3 trên 400 kWh có giá 2.587 đồng/kWh.

Kịch bản 5: “Cắt” ngắn 22 ngày thời gian thẩm định doanh nghiệp ưu tiên

Bậc 1 - 50 kWh có giá 1.484 đồng/kWh; Bậc 2 - 150 kWh có giá 1.670 đồng/kWh; Bậc 3 - 200 kWh có giá 2.325 đồng/kWh; Bậc 4 trên 400 kWh có giá 2.587 đồng/kWh.

Đâu là phương án phù hợp?

Tuy EVN đưa ra 3 phương án, nhưng thực chất chỉ có hai, vì phương án 1 là giữ nguyên như hiện hành thì khả năng cao sẽ bị bác bỏ với hàng loạt những bất cập mà chính Tập đoàn này chỉ ra và lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã không chấp nhận.

Cụ thể: với phương án 1, EVN cho biết nhược điểm của phương án này là gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, lượng điện sử dụng càng cao áp ở mức giá cao ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.

Hơn nữa, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, phương án 1 được đưa ra là giữ nguyên biểu giá điện hiện hành, trong khi đây là phương án bất hợp lý chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu nghiên cứu và thay đổi.

Trong khi đó, với phương án 2 được cho là dễ áp dụng, dễ ghi số công tơ, nhưng lại bất lợi cho các hộ nghèo và không tạo áp lực tiết kiệm điện.

Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, mặt hàng điện là mặt hàng "đặc biệt" phải dùng bậc thang, lũy tiến để tính hóa đơn điện vì đây là loại năng lượng không tái tạo được, do đó phải hạn chế sự lãng phí”.

Ngoài ra, theo ông Long, hiện người nghèo, người thu nhập thấp luôn được Chính phủ bảo hộ, tạo điều kiện hỗ trợ nhưng với cách áp dụng đồng giá, vô hình chung người nghèo phải trả cho người giàu.

Trả lời trên VnEconomy, đồng quan điểm cho rằng, không thể áp dụng phương án 2 (đồng giá), ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: “Phương án này rất ít nước áp dụng, vì tất cả các đối tượng sử dụng từ các hộ nghèo, hộ cần nghèo, người có thu nhập cao, doanh nghiệp… đều áp dụng một mức là không đúng”.

Trong 3 phương án, khả năng phương án 3 sẽ được đóng góp ý kiến nhiều và có khả năng thực hiện hơn do phương án 1 là biểu giá hiện hành. Còn phương án 3 nếu được tiếp thu, chỉnh sửa hợp lý hơn sẽ có tính khả thi cao hơn. Tuy nhiên, đây là phương án mở nên sắp tới, khi EVN tổ chức hội thảo ở 3 miền với nhiều ý kiến góp ý có thể sẽ được chỉnh sửa nhiều, để đảm bảo tính khả thi cao nhất.

Theo đó, PGS, TS. Ngô Trí Long đề xuất, cần tính trên phương án càng chia nhỏ càng tốt, 6 bậc thang là hợp lý nhưng hệ số từng bậc phải thấp hơn hiện nay.

"3 phương án đó về cơ bản xây dựng thiếu khách quan, có lợi cho EVN hơn người tiêu dùng. Phải chứng minh rằng, lợi cho người tiêu dùng như thế nào, xây dựng phương án trên nguyên tắc không khuyến khích sử dụng nhiều, đảm bảo chính sách xã hội với người nghèo", ông Long nói.

Dẫn lời TS. Nguyễn Minh Phong, Vụ trưởng Báo Nhân dân trên tờ Bizlive, ông không đồng ý với các phương án mà EVN đưa ra. Theo đó, ông cho rằng, cần một giải pháp trung hòa hơn sau khi lấy các yếu tố hợp lý của các phương án đưa ra.

"Dưới 100kWh dành cho người nghèo và đối tượng xã hội còn lại có thể áp một mức đồng giá, riêng lĩnh vực tiêu tốn điện như xi măng, sắt thép, nên áp dụng một mức giá đặc biệt", ông Phong nói.

Trong khi đó, chuyên gia Trần Viết Ngãi đề xuất, vẫn cần chia bậc thang giá điện, nhưng nên áp dụng ở chia 3 bậc. “6 bậc là nhiều quá, rất rối, khoảng cách giữa các bậc thang giá điện quá ngắn, phức tạp cho việc thu, hạch toán tiền điện. Nhưng chia 3 bậc thì cũng phải cải tiến, để người nghèo cũng không bị ảnh hưởng, người thu nhập cao không lo, mà EVN cũng vẫn có lợi”.
“Hội đồng khoa học của Hiệp hội chúng tôi đã họp và đều đánh giá như vậy. Theo tôi, 3 bậc nên thế này: bậc 1 từ kWh đầu đến kWh thứ 150; bậc 2 từ kWh thứ 151 đến kWh thứ 250 và bậc 3 là từ kWh trên 250 trở đi, với mức giá tối đa 2.500 đồng/kWh. Bậc 1 thì chủ yếu áp dụng cho hội nghèo, người làm công ăn lương…, bậc 2 cho người có thu nhập khá hơn chút, và bậc 3 trở lên là người có thu nhập cao. Hầu hết các nước hiện nay đều áp dụng biểu giá điện 3 bậc”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam góp ý.

Trước đây, vào tháng 06/2015, sau khi có nhiều ý kiến trên báo chí phản ánh biểu giá điện mới không hợp lý, có thể là một nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc họp với Cục Điều tiết điện lực và EVN về việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của EVN. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, biểu giá điện là bất hợp lý và hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao bất thường là cần xem xét lại nên ông đã yêu cầu EVN hoàn thiện Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá, trước mắt tập trung vào nghiên cứu cơ cấu biểu giá áp dụng cho khách hàng sinh hoạt.

Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong tháng 09/2015, EVN sẽ tổ chức Hội thảo tại 3 miền về Đề án. Trong tháng 10/2015, Đề án này sẽ được trình lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét và tháng 11, sau khi Đề án chỉnh lại, sẽ được trình lên Chính phủ xem xét, phê duyệt./.

Tham khảo từ:

http://vneconomy.vn/thi-truong/bieu-gia-dien-moi-nen-sua-the-nao-2015091809364101.htm

http://bizlive.vn/kinh-doanh/dong-gia-dien-nguoi-ngheo-tra-cho-nguoi-giau-1299197.html

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư