Giá cà phê thế giới: Đảo chiều trong nửa sau tháng 10

14:27 | 04/11/2015 Print
- Các yếu tố tiền tệ và thời tiết là các yếu tố lèo lái giá cà phê trong tháng 10/2015 và các yếu tố đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý nhà kinh doanh cà phê trong thời gian tới.

Nửa đầu tháng 10/2015 – Giá cà phê tăng

Giá cà phê đã tăng trong hầu hết thời gian đầu tháng 10, nhờ vào 3 yếu tố chính sau đây:

1. Đồng USD yếu sau khi dữ liệu việc làm trong tháng 9 được công bố yếu kém và Biên bản cuộc họp FOMC tháng 9 ghi nhận thông tin bất lợi, cản trở việc Fed sớm tăng lãi suất.

2. Đồng tiền cà phê, đặc biệt là BRL tăng giá do USD suy yếu và do Tổng thống Brazil bà Dilma Rousseff được Quốc hội Brazil thông qua hầu hết các khoản cắt giảm ngân sách, cải cách trợ cấp và tăng thuế theo kế hoạch của nhóm kinh tế của bà Rousseff nhằm kiềm chế chi tiêu chính phủ và lạm phát.

Đồng BRL tăng giá trong nửa đầu tháng 10 – Nguồn : Barchart

Sự tăng giá của đồng nội tệ của các nước sản xuất cà phê khác cũng đã thúc đẩy đà tăng của giá cà phê trong nửa đầu tháng 10.

Giá cà phê biến động mạnh trong tháng 10 chủ yếu do các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu và do các dự báo thời tiết bất nhất tại Brazil.

3. Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ khẳng định 95% khả năng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài đến giữa tháng 3 năm 2016, làm tăng kỳ vọng sản lượng cà phê tại Indonesia và Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Các nhà khí tượng Mỹ dự báo lượng mưa hạn chế đến ngày 22/10/2015 tại một số vùng trồng cà phê Brazil, điều này làm tăng quan ngại đối với tiềm năng sản lượng cà phê và gây sức ép lên giai đoạn cà phê ra hoa cho niên vụ 2016/17, dù vẫn có thời gian để tình hình cải thiện.

Giá cà phê tăng giá lạc quan trong nửa đầu tháng 10 do đồng USD giảm giá, đồng nội tệ của Brazil (BRL) cùng các đồng tiền cà phê khác hồi phục so với USD và các dự báo thời tiết khô hạn tại các vùng trồng cà phê Brazil.

Nửa sau của tháng 10 – Giá cà phê đảo chiều

Giá cà phê đã đảo chiều giảm từ nửa sau tháng 10 do các yếu tố nêu trên đảo chiều, tác động xấu đến thị trường.

1. Đến phiên ngày 16/10/2015, các thị trường cà phê bắt đầu đảo chiều giảm giá trở lại do các báo cáo thời tiết mới nhất cho biết khả năng có mưa đều đặn về cuối tháng tại các vùng trồng cà phê chính ở Brazil. Mưa bắt đầu xuất hiện tại một số vùng cà phê chủ yếu tại các bang São Paulo và Minas Gerais, bản đồ hình ảnh radar do hãng Ipmet tại Brazil công bố. Hãng dự báo thời tiết uy tín tại Brazil là Somar và nhiều hãng khác tại Mỹ đồng loạt dự báo mưa tại vành đai cà phê Brazil trong giai đoạn cuối tháng 10.

Các yếu tố vĩ mô đảo chiều trong nửa sau tháng 10 đã khiến giá cà phê giảm mạnh. Dự báo thời tiết có mưa tại Brazil cũng là tác nhân khiến giá cà phê giảm mạnh.

2. Đồng Real của Brazil cũng bắt đầu giảm giá trở lại so với đồng USD sau khi tín nhiệm nợ công Brazil đã bị hãng đánh giá tín nhiệm Fitch hạ xuống mức BBB-, còn cách 2 nấc so với hạng rác. Bên cạnh đó, Chính phủ Brazil thay đổi mục tiêu ngân sách năm nay từ mức thặng dư xuống mức thâm hụt do không thể củng cố tài chính quốc gia. Các tờ báo lớn nhất Brazil đồng loạt đưa tin chính phủ sẽ điều chỉnh mục tiêu ngân sách lần thứ ba, dự báo thâm hụt trừ thanh toán lãi suất có thể vượt trên mức 50 tỷ real (13 tỷ USD). Mức thâm hụt này có thể lên đến 90 tỷ real trong kịch bản tồi tệ nhất, tính cả trường hợp chính phủ trả hết nợ cho các ngân hàng.

3. Đồng USD quay đầu tăng giá mạnh mẽ sau khi ECB phát tín hiệu tiếp tục nới lỏng định lượng khiến đồng EUR bị bán tháo và Ngân hàng nhân dân Trung Hoa (BPOC) hạ lãi suất khiến Nhân dân tệ tiếp tục lao đao. Ngày 23/10/2015, BPOC đã hạ lãi suất nộp tiền và lãi suất cho vay một năm lần lượt 0,25% xuống 1,5% và 4,35%, động thái hạ lãi suất thứ 6 của Trung Quốc kể từ tháng 11 năm ngoái. Yêu cầu dự trữ ngân hàng cũng được hạ 50 điểm cơ bản.

Trong cuộc họp FOMC tháng 10, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất điều hòa vốn ở mức gần bằng 0 đồng thời phát tín hiệu xem xét nghiêm túc việc tăng lãi suất trong kỳ họp cuối năm 2015. Đồng USD tăng giá mạnh sau động thái của Fed.

Fed không tăng lãi suất điều hóa vốn từ năm 2006 – Nguồn : 123 Global

Chỉ số USD tăng là nguyên nhân khiến giá cà phê giảm – Nguồn : 123 Global

EUR giảm là nguyên nhân khiến giá cà phê giảm – Nguồn : 123 Global

Ngoài 3 yếu tố chính nêu trên, một số yếu tố khác cũng làm gia tăng đà giảm của giá cà phê. Trong đó, áp lực chốt lời trước kỳ họp FOMC tháng 10 của Fed, chốt lời do giá cà phê tăng lên các vùng kháng cự mạnh vào giữa tháng, tồn kho cà phê chứng nhận giảm và do các thay đổi về quy định xuất khẩu cà phê ở Colombia có thể thúc đẩy nguồn cung cà phê cho các thị trường thế giới, làm gia tăng sức ép lên giá cà phê.

Liên đoàn Cà phê quốc gia Colombia (FNC) báo cáo 18% cà phê Colombia không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng so với mức 10% trung bình, do đó FNC sẽ hạ tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo có thêm cà phê được xuất khẩu.

Như vậy, giá cà phê đảo chiều giảm mạnh từ 16/10 đến 27/10 do các yếu tố từng làm giá cà phê tăng trong đầu tháng đã thay đổi theo chiều ngược lại. Đợt giảm giá này khiến tâm lý nhà nông và doanh nghiệp hoang mang.

Giá cà phê arabica ghi nhận đà giảm giá trong suốt 14 tháng qua – Nguồn: Barchart

3 ngày cuối tháng 10 – Robusta tăng vọt

Cuối tháng 10, giá cà phê bất ngờ đảo chiều tăng. Chủ yếu là sự giá cà phê Robusta tăng mạnh với các lý do :

- Tình trạng kháng giá tại thị trường Việt Nam dù có áp lực nguồn cung cà phê vụ mới trong khi tồn kho cà phê robusta trong người nông dân và nhà xuất khẩu còn khá lớn.

- Dự báo hiện tượng El Nino mạnh lên có thể gây khô hạn tại một số tỉnh Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam.

- Dự báo lượng mưa ít ỏi tại các vùng trồng cà phê Robusta tại Brazil.

- Hôm 27/10, tồn kho cà phê Robusta được chứng nhận tại sàn giao dịch London đã giảm thêm 40 tấn, xuống đăng ký tồn kho ở 201.410 tấn. trong khi tồn kho cà phê Arabica được chứng nhận tại sở giao dịch hàng hóa New York cũng giảm 8.370 bao, xuống đăng ký ở 1.900.683 bao. Đây cũng là thông tin hỗ trợ cho giá cà phê trong ngắn hạn.

- Tâm lý nhà đầu tư và kinh doanh cà phê nhẹ nhõm hơn sau phiên họp FOMC tháng 10 của Fed đã quyết định chốt lời các lệnh bán khống trước đó và mua mới trước thông tin bất lợi về thời tiết.

- Báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 10 của Việt Nam giảm và sản lượng xuất khẩu niên vụ 2014/2015 của Việt Nam giảm cả lượng lẫn giá.

- Đồng USD giảm nhẹ lại và các đồng tiền cà phê cũng hồi phục đôi chút trong 3 ngày cuối tháng.

- Tác động của việc ký kết Hiệp định TPP góp phần củng cố vị thế ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Giá cà phê robusta tăng mạnh trong 3 ngày cuối tháng 10 – Nguồn: Barchart

Cùng thời điểm, giá cà phê Arabica chỉ hồi phục nhẹ từ 3 đến 5 cent tùy kỳ hạn và chốt lại tháng 10/2015 với mức giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 10, giá cà phê Arabica giao tháng 12 tại sàn ICE Futures US ở New York dao động trong biên độ 137,60 – 116,30 cent/lb và đóng cửa ít thay đổi so với đầu tháng, ở mức 120,95 cent/lb. Trong khi đó, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2016 tại sàn ICE Futures Europe tại London dao động trong khoảng 1.664 – 1.543 USD/tấn, tăng gần 100 USD/tấn so với đầu tháng, nhưng vẫn giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Giá cà phê đã biến động mạnh trong tháng 10/2015, tăng vào đầu tháng, giảm từ giữa tháng và tăng mạnh trong 3 ngày cuối tháng. Các yếu tố tiền tệ và thời tiết là các yếu tố chi phối giá cà phê trong hiện tại và cả trong những tháng cuối năm 2015”, theo 123 Global

Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên mở cửa tháng 10 trong khoảng 34 - 35 triệu đồng/tấn, duy trì tăng ổn định lên vùng 36 - 37 triệu đồng/tấn vào ngày 16/10/2015.

Tuy nhiên sau đó do giá cà phê thế giới bắt đầu giảm mạnh cho nên giá cà phê trong nước cũng giảm về dưới 35 triệu/tấn, có phiên ghi nhận mức giảm lên đến 1 triệu đồng/tấn. Nhưng đến ngày 31/10/2015, giá cà phê trong nước đã bật tăng mạnh trở lại khu vực 36,2 – 36,5 triệu đồng/tấn. Như vậy, giá cà phê nhân xô vẫn vững trên 35 triệu/tấn và giảm ít hơn so với giá cà phê thế giới, với mức giảm khoảng 12 – 15%.

Trần Khải Nam Trung – Huỳnh Nhật Hà

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư