Cá da trơn Việt Nam gặp khó khăn bởi “hàng rào khắt khe” khi xuất sang Mỹ

21:04 | 10/12/2015 Print
- Với những quy định mới trong Chương trình Giám sát Cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam phải đối mặt với việc mất trắng thị trường xuất khẩu Mỹ. Bởi, với Chương trình này, Việt Nam có thể sẽ mất rất nhiều năm mới chuyển đổi thành công và đáp ứng được quy chuẩn.

Ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ban hành các quy định mới đối với những nhà cung cấp cá da trơn, trong đó yêu cầu tiến hành thanh tra tại chỗ các trang trại và các nhà xưởng chế biến đối với cả những nhà sản xuất trong và ngoài nước nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đồng nhất.

Những quy định mới này dự kiến có hiệu lực từ tháng 03/2016 và sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong hơn 18 tháng, theo đó, cho phép các nhà cung cấp nước ngoài có thời gian để tiến hành những thay đổi cần thiết để đáp ứng những yêu cầu của USDA.

Trước động thái này, trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông John P.Connelly, Chủ tịch Hội Công nghiệp Cá Hoa Kỳ bộc lộ những quan ngại về việc chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp giám sát khắt khe cá da trơn xuất khẩu Việt Nam theo tiêu chuẩn của USDA, thay cho quy chuẩn trước đó của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và đây sẽ là rào cản rất lớn cho Việt Nam để xuất khẩu.

Ông cho rằng, quy chuẩn FDA đang được áp dụng rất tốt. Gần 25 năm nay tại Mỹ chỉ có duy nhất một trường hợp bị bệnh do cá da trơn, chứng tỏ mặt hàng này vẫn an toàn. Vì thế, việc Mỹ áp dụng quy chuẩn của USDA có dấu hiệu vi phạm giao ước thương mại giữa Mỹ với Việt Nam. Và động thái này là một nỗ lực nhằm ngăn chặn cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam và các thị trường khác vào Mỹ.

Bởi vậy, ông John P.Connelly cảnh bảo, các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam phải đối mặt với việc mất trắng thị trường xuất khẩu Mỹ. Hai quy chuẩn của FDA và USDA là hai dạng quy chuẩn khác nhau, nên Việt Nam có thể sẽ mất rất nhiều năm mới chuyển đổi thành công và đáp ứng được quy chuẩn của USDA, chứ không đơn giản như thời hạn dưới 2 năm như "quy định cuối cùng" đã ban hành.

Ông khuyến nghị, điều doanh nghiệp Việt Nam cần làm lúc này là cùng với Chính phủ Việt Nam truyền đi thông điệp rằng, không công bằng khi Mỹ áp dụng các quy chuẩn ngặt nghèo cho xuất khẩu Việt Nam, trong khi Việt Nam lại đang mở cửa đón hàng nhập từ Mỹ.

Về phía Việt Nam, trước việc Hoa Kỳ thông qua “Điều khoản cuối cùng” áp dụng đối với cá da trơn (trong đó có sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những giải pháp khẩn trương tháo gỡ, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu.

Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, do thời gian Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hệ thống quản lý nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản sẽ phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nghiên cứu kỹ các quy định của Mỹ, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp nhằm đảm bảo không để hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đối chiếu thật cụ thể, chi tiết để xem giữa quy định của Việt Nam đang áp dụng còn điểm nào chưa phù hợp, chưa tương đồng, còn vênh nhau so với quy định mới của Hoa Kỳ để điều chỉnh. Tuy nhiên, do thời gian mà Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những thảo luận trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://nongnghiep.vn/my-giam-sat-ca-da-tron-khong-lam-gian-doan-xuat-khau-cua-viet-nam-post153638.html

http://www.vietnamplus.vn/my-ban-hanh-quy-dinh-moi-voi-nha-cung-cap-ca-da-tron-viet-nam/357761.vnp

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư