Rau sạch vẫn khó đến tay người tiêu dùng

16:01 | 25/11/2015 Print
- Hiện nay, quá trình sản xuất, lưu thông và quản lý rau trên thị trường còn nhiều bất cập đã khiến những sản phẩm rau sạch bị trà trộn với rau không an toàn, vô hình chung đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, làm cho sản phẩm sạch khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Vi phạm sản phẩm an toàn vẫn diễn biến phức tạp

Tại Hội nghị mở rộng Ban chỉ đạo áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap trong sản xuất trồng trọt và phát triển rau an toàn, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/11. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cả nước hiện có 880.000 ha rau cung ứng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, diện tích rau an toàn, rau VietGap chỉ chiếm dưới 10%. Con số này cho thấy, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng các loại rau chưa đạt chất lượng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thực tế, qua thanh kiểm tra, ngành chức năng phát hiện một số hoạt chất phun trừ sâu bệnh nằm trong danh mục bị cấm sử dụng trong sản xuất rau. Đặc biệt, một số hộ nông dân, trang trại tuy có đăng ký mô hình sản xuất rau an toàn, song trong công đoạn trồng rau, người sản xuất quá "lạm dụng" bón phân cho rau phát triển nhanh, đặc biệt là việc bón đạm (nitrat) với liều lượng quá giới hạn cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Không chỉ công đoạn sản xuất "có vấn đề" mà ngay cả công đoạn phân phối, tiêu thụ hiện cũng có quá nhiều bất cập. Tại Hội nghị phổ biến Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, cuối tháng 7/2015, một số đối tượng ở Đông Anh - Hà Nội thu mua rau không rõ nguồn gốc, mang về sơ chế, đóng gói tại nhà, sau đó lợi dụng tem nhãn rau của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ RAT Đạo Đức nhằm đưa sản phẩm rau vào một số hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học. Hành động trên của một số đối tượng khiến người tiêu dùng mất lòng tin, không phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau bẩn.

Bên cạnh đó, việc quản lý các sản phẩm rau sạch sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm dường như còn rất lúng túng. Theo ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, với chế tài xử phạt hành chính theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt về an toàn thực phẩm còn khá nhẹ. Trong trường hợp sản phẩm vượt chỉ tiêu an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất cấm trong trồng trọt thì phạt tiền từ 40%-100% giá trị thực phẩm tại thời điểm vi phạm.

“Đối với lô hàng nhập khẩu hoặc các thực phẩm khác có giá trị lớn thì mức phạt còn đáng kể, còn lại lô rau củ quả giao cho các siêu thị, bếp ăn không lớn. Do mức phạt nhẹ nên tính răn đe chưa cao, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý”, ông Trường nhận định.

Nỗ lực từ nhiều phía

Theo các chuyên gia, chất lượng của sản phẩm không phải phụ thuộc vào việc kiểm tra của cơ quan quản lý, mà do quá trình sản xuất. Quan trọng và hiệu quả nhất là kiểm soát tại nguồn sản xuất thông qua quy trình, chỉ những sản phẩm đảm bảo chất lượng mới được đưa ra thị trường.

Tại Diễn đàn An toàn thực phẩm Việt Nam – Úc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11/11/2015, ông Nguyễn Xuân Hồng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng nếu đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, thì không cần kiểm tra cũng biết sản phẩm đó là an toàn. Do vậy, đối với những cơ sở sản xuất, giải pháp chính là phải áp dụng quy trình theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết và sử dụng theo nguyên tắc đảm bảo thời gian cách ly.

Bên cạnh đó, cần phải tổ chức sản xuất theo chuỗi, trong đó có các hợp tác xã, tổ hợp tác đứng ra liên kết với doanh nghiệp, cam kết thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm, có sự ký kết giám sát lẫn nhau.

Về việc quản lý những cơ sở sản xuất rau an toàn, ông Hồng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT, ngày 27/12/2014, quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Theo đó, các hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ do UBND tỉnh phân cấp đến tận cấp huyện, cấp xã để giám sát quá trình sản xuất và không thể thiếu sự vào cuộc của các địa phương. Bởi quá trình sản xuất đó diễn ra trên địa bàn của từng địa phương, tăng cường sự giám sát của cộng đồng và chính các tổ hợp tác và hợp tác xã. Còn các hộ sản xuất quy mô lớn đã có quy định nghiêm ngặt của Luật An toàn thực phẩm, quy trình chuẩn sản xuất rau, quả, chè hay theo quy trình VietGap.

Đối với việc kiểm soát chất lượng rau an toàn, ông Hồng cho rằng, giám sát phải theo chuỗi theo toàn bộ quá trình sản xuất, sơ chế, vận chuyển và tiêu thụ. Để làm được không có cách nào khác, cần có sự liên kết và hiệu quả chặt chẽ giữa công ty cung ứng sản phẩm an toàn và tổ chức của những người sản xuất. Tất cả những đối tác liên quan phải thực hiện đúng cam kết. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt đảm bảo yêu cầu, đột xuất và định kỳ kiểm tra, cấp cho họ giấy kiểm tra an toàn. Cung cấp cho người tiêu dùng những địa chỉ tin cậy. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới kiểm soát được thực phẩm an toàn.

Nhằm xử lý vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại, trước Quốc hội ngày 17/11/ 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng kiến nghị xem xét sửa đổi một số quy định trong Luật Hình sự để có cơ sở pháp lý và chế tài xử lý mạnh tay với những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Để không còn những bức xúc về tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, ngay trên Nghị trường, Đại biểu Quốc hội phải thốt lên: “Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!” thì sự nỗ lực từ các bên liên quan là vô cùng quan trọng. Không chỉ là sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng mà cả người sản xuất, người tiêu dùng và nhà tiêu thụ đều cần phải thay đổi thói quen, cách nghĩ và cách làm của mình đối với việc trồng và kinh doanh rau sạch, rau an toàn.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Hội nghị mở rộng Ban chỉ đạo áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap trong sản xuất trồng trọt và phát triển rau an toàn, ngày 24/11

2. Tuyết Nhung (2015). Nhập nhèm rau, thịt sạch, truy cập từ http://anninhthudo.vn/moi-truong/nhap-nhem-rau-thit-sach/645466.antd

Lê Thủy

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư