e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Xuất khẩu dệt may: Nhiều nỗi lo trong “cuộc chơi” TPP

16:12 | 21/12/2015 Print
- Với TPP, xuất khẩu của ngành dệt may được kỳ vọng tăng mạnh nhất, khi 184/186 sản phẩm dệt may không bị áp dụng nguyên tắc “từ sợi trở đi”. Nhưng, 184 sản phẩm này chỉ chiếm 15% thị phần trong thị trường TPP. Chưa kể, ngành lâu nay vẫn phát triển nhờ gia công xuất khẩu và phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Thách thức phía trước...

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 11 tháng đã vượt mốc 20 tỷ USD. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11/2015 đạt 1,71 tỷ USD, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng năm 2015 lên 20,63 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014 (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD).

Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,88 tỷ USD, tăng 11,7%; sang EU đạt 3,09 tỷ USD, tăng 3,5%; sang Nhật Bản đạt 2,53 tỷ USD, tăng 6,2% và sang Hàn Quốc đạt 1,98 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Với TPP, tại phiên chất vấn trước Quốc hội vào ngày 17/11/2015, theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, thì “184/186 chủng loại hàng dệt may của Việt Nam xuất sang các đối tác sẽ không phải chịu nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi. "Tuy nhiên, số này chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, tức là 85% còn lại chúng ta phải thực hiện theo đúng nguyên tắc", người đứng đầu ngành Công Thương cho biết.

Hiện Việt Nam có thể chủ động được 85% lượng vải dệt kim, 30% vải dệt thoi (vải thường). Riêng với sợi, Việt Nam đã sản xuất đủ, thậm chí năm 2014 đã xuất khẩu 2 tỷ USD. Tính chung trong toàn ngành, tỷ lệ nội địa hóa đã tăng từ 20% lên 50% trong vòng 10 năm.

Chưa kể, ngành dệt may lâu nay phát triển nhờ gia công xuất khẩu và phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm đến 60%-72% kim ngạch xuất khẩu dù chỉ chiếm 25% tổng số doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam. Cho nên, dù xuất khẩu có tăng trưởng thì dòng tiền sẽ chảy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn thay vì các doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, tuy tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã triển khai nhiều dự án, chủ yếu vào ngành may, để chuẩn bị cho TPP, nhưng Trung Quốc và một số quốc gia khác còn đổ tiền đầu tư lớn hơn, kể cả việc xây khu công nghiệp dệt may (tại Nam Định). Các doanh nghiệp may của Việt Nam gần như chỉ tập trung gia công sản phẩm - công đoạn dù sử dụng rất nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng không cao - với nguyên liệu chủ yếu nhập từ các nước ngoài khối TPP.

Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, dù chuyển hướng sang nguồn nguyên liệu từ các nước TPP, như: Mỹ, Úc... được miễn thuế nhập khẩu, thì giá thành nguyên phụ liệu vẫn sẽ cao hơn nhiều so với nguồn nhập khẩu bấy lâu nay hay nguồn cung trong nước từ các doanh nghiệp FDI đang nở rộ do lợi thế về giá lao động, chi phí vận chuyển, thời gian giao hàng.

Một điều quan trọng khác là tính liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong một ngành còn rất lỏng lẻo. Trước đây, khi chưa cổ phần hóa, các công ty sợi - dệt - nhuộm - may trong nước thường là những công ty con của công ty mẹ. Sau giai đoạn cổ phần hóa, các công ty con này trở thành công ty độc lập. Có liên kết với nhau hay không giờ là quyết định của từng công ty dựa trên bài toán hiệu quả kinh doanh chứ không còn là nghĩa vụ như trước và điều này vừa là thuận lợi vừa là khó khăn của các công ty độc lập này.

Có nhiều doanh nghiệp dệt - nhuộm phải chịu mua vải đầu vào giá cao hơn mức bình thường do khan hiếm nguồn cung sợi (đầu vào cho dệt) cũng như vải mộc (đầu vào cho nhuộm) mà nguyên nhân xuất phát từ việc các doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc do giá mua phía Trung Quốc cao hơn so với thị trường nội địa. Điều này làm giá vải thành phẩm sau in - nhuộm - hoàn tất cao thêm.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ có ưu thế hơn các doanh nghiệp ngành dệt may ở các nước khác trong khối TPP về tiền lương. Lương bình quân của lao động Việt Nam là 48-69 xu Mỹ/giờ, thấp nhất so với các nước như Mexico (56-73 xu Mỹ), Peru (1,17 USD) và Chile (1,86 USD). Thời gian làm việc hàng tuần của lao động Việt Nam thường cao hơn, thường là 48 giờ/tuần, trong khi các nước khác chỉ 40-45 giờ/tuần. Đây cũng là điểm quan trọng khiến người dân tại nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc phản đối TPP do lo ngại mất việc làm, tiền lương/tiền công sẽ giảm, thời gian làm việc có khả năng tăng thêm để cạnh tranh với lao động Việt Nam.

Để không tụt hậu trước hội nhập

Theo đó, khi toàn văn TPP được công bố, Chính phủ cần xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo về quy tắc xuất xứ đến doanh nghiệp dệt may, trong đó đưa ra khuyến nghị dựa trên các tiêu chí áp dụng với sản phẩm của nhóm ngành đó. Tận dụng được quy tắc xuất xứ hay không và tận dụng được đến đâu phụ thuộc phần lớn vào sự nắm bắt và nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét có những chỉnh sửa về chính sách để phù hợp với cam kết TPP.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, các doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ trong TPP (sau khi được ký kết) để chắc chắn hàng hóa đáp ứng quy tắc cộng gộp và các tiêu chí xuất xứ tương ứng trước khi sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt, cần nhận thức rõ vướng mắc lớn nhất trong vấn đề xuất xứ hàng hóa là do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực.

Đối với dệt may là ngành gia công, hiện nay nguyên liệu đang nhập khẩu từ các nước thứ 3 ngoài TPP, vì vậy, cần được rà soát lại để tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, hoặc nhập khẩu nguyên liệu của các nước thành viên TPP để thay thế các nước ngoài TPP.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh riêng cho mình tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, tận dụng hoặc xây dựng các vùng nguyên liệu sẵn có để chiếm lĩnh thị trường nội địa và phát huy thế mạnh, tạo thương hiệu đẩy mạnh xuất khẩu, hoặc xây dựng chuỗi cung ứng riêng ngay trong nước.

Đặc biệt, trả lời trên trên Báo điện tử Chính phủ, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, để hội nhập thành công, nhất là với TPP, cần tập trung nâng cao năng suất lao động. Hiện tại, năng suất kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam tương đương các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico nhưng kém Trung Quốc.

Vì vậy cần đặc biệt chú trọng cải thiện năng suất lao động kỹ thuật dệt may, cần nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là chất lượng nhân lực thiết kế, kỹ thuật, sản xuất nguyên liệu, xử lý đơn hàng tổng hợp và tổ chức sản xuất.

Ông Lê Tiến Trường cho rằng cần tiếp tục thu hút đầu tư cho ngành sản xuất nguyên liệu theo chiến lược chung của cả nước. Mục tiêu đến năm 2020, cần có khoảng 15 trung tâm sản xuất nguyên liệu, trung tâm thiết kế, qua đó tạo việc làm cho 50 triệu lao động trong ngành dệt may và kim ngạch xuất khẩu đạt mức 50 tỷ USD, gấp đôi hiện nay./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/De-det-may-khong-tut-hau/244083.vgp

http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/Default.aspx

http://www.thesaigontimes.vn/138925/Det-may-va-TPP-noi-lo-con-dai.html

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư