Bộ Công Thương siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp

14:09 | 18/03/2016 Print
- Tại chỉ thị mới ban hành, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã giao việc và quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong ngành về công tác "siết" kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT, ngày 09/03/2016 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Động thái này được đưa ra sau khi dư luận đặt câu hỏi "vai trò của Bộ Công Thương ở đâu sau hàng loạt vụ việc đa cấp biến tướng lừa đảo người tiêu dùng xảy ra gần đây, mà điển hình là Công ty Liên kết Việt?".

Trước đó, trong một số lần trả lời truyền thông, với việc một số đại diện của Bộ đẩy trách nhiệm sang các địa phương, Bộ Công Thương đã vấp phải không ít dư luận trái chiều, cho rằng cơ quan này đang né tránh và không làm tròn trách nhiệm.

Tại Chỉ thị này, lãnh đạo ngành công thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp.

Cụ thể, Chỉ thị nêu rõ, sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn.

Nhiệm vụ của các sở công thương là phải chủ động thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp trên địa bàn, đặc biệt lưu ý các hành vi có khả năng vi phạm về những hành vi bị cấm đối với bán hàng đa cấp.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng giao các sở triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn về hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nói riêng…

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) được giao chủ trì, phối hợp với sở công thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, phát hiện những chồng chéo, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp nói riêng để tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm.

Đơn vị này cũng có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hoạt động bán hàng đa cấp theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức;tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nói riêng.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP

Vì vậy, “các đơn vị căn cứ trách nhiệm được giao, triển khai thực hiện Chỉ thị có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện Chỉ thị định kỳ 3 tháng một lần”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư