EU cảnh báo thủy sản có kháng sinh, cá chết bất thường của Việt Nam

16:48 | 31/05/2016 Print
- Do việc kiểm soát chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu và thị trường EU chưa được khắc phục thực sự hiệu quả, thời gian tới, có thể số lượng doanh nghiệp trong danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này sẽ bị giảm dần, thậm chí EU còn có thể đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.

Ngày 30/05/2016, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, EU đã có văn bản cảnh báo các lô hàng thủy sản Việt Nam dính kháng sinh cấm và lưu ý hiện tượng cá chết bất thường ở vùng biển nước ta.

Cụ thể: ngày 13/05/2016, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE), Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư số Ares(2016)2253381 gửi Nafiqad thông báo, biện pháp kiểm soát chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục thực sự hiệu quả vấn nạn lạm dụng hóa chất kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu.

Do vậy, các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị EU đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào EU trong trường hợp có lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hóa chất kháng sinh cấm quy định tại phụ lục 2, quy định EU số 37/2010.

Ngoài ra, ngày 24/05/2016, Cơ quan thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo số 16-814 gửi tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.

Thủy sản Việt Nam có nguy cơ bị EU “cấm cửa”

Dẫn lời ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad trên Báo Hải quan điện tử: Để tránh việc Cơ quan thẩm quyền EU loại dần doanh nghiệp trong danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này, thậm chí có thể đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, Nafiqad yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU: Khẩn trương và nghiêm túc rà soát chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát cần thiết đối với hóa chất kháng sinh.

Cơ sở có lô hàng bị EU cảnh báo các hóa chất kháng sinh cấm nêu tại Phụ lục 2, quy định EU số 37/2010 sẽ bị EU đưa ra khỏi danh sách của EU. Do đó, các cơ sở chế biến thủy sản cần chủ động xem xét kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm hóa chất kháng sinh cấm đối với từng lô hàng thủy sản trước khi xuất khẩu vào EU.

Cũng trong ngày hôm qua (30/05), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát có chỉ thị, đề các địa phương tăng việc kiểm soát thú y trong thủy sản, đồng thời cảnh báo hiện một số thị trường xuất khẩu quan trọng đã tạm dừng nhập thuỷ sản Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, các địa phương tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vị phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Tổ chức giám sát và xử lý dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất tôm, cá tra giống, cơ sở nuôi tôm, cá tra xuất khẩu; Chấn chỉnh công tác giám sát dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thuỷ sản giống lưu thông trong nước, giảm thiểu thủ tục, gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển thuỷ sản giống đi tiêu thụ…

Đồng thời, yêu cầu Nafiqad chủ trì tổ chức điều tra và truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng thủy sản bị cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh, làm căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Trước đó, vào cuối tháng 04/2016, Nafiqad cũng thông tin, EU cảnh báo nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đó chủ yếu là các sản phẩm như: Sản phẩm cá tra đông lạnh có chất lượng cảm quan không đạt yêu cầu (có mùi Amoniac trong sản phẩm) và trong sản phẩm có chứa Sodium carbonates (E 500) không được phép sử dụng; mặt hàng cá tra đông lạnh do có chứa Sodium Erythorbate (E 316) không được phép sử dụng; mặt hàng cá ngừ đóng hộp do chỉ tiêu Histamine; mặt hàng cá cờ kiếm do có chỉ tiêu thủy ngân./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.nafiqad.gov.vn/NguoiDung/ChiDieuHanhCT/tabid/346/id/2815/language/vi-VN/Default.aspx

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Thuy-san-Viet-Nam-co-nguy-co-bi-EU-cam-cua.aspx

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư