Nhiều khó khăn khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ

21:24 | 30/11/2016 Print
- Các cam kết mở cửa về dịch vụ của Việt Nam tương đối rộng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí ngay cả cơ quan nhà nước cũng khó nắm bắt, bao quát được tất cả các ngành, lĩnh vực được phép mở cửa.

Nhiều chuyên gia tại Hội thảo tham vấn So sánh các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong WTO, TPP và EVFTA, ngày 30/11 cho rằng, các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ tương đối rộng, cùng với hệ thống pháp luật phức tạp, khiến việc thực thi các cam kết này vô cùng khó khăn.

Kết quả rà soát các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong WTO, TPP và EVFTA cho thấy, Việt Nam đều đã cam kết mở cửa ở 12 nhóm dịch vụ, đó là: dịch vụ kinh doanh, dịch vụ thông tin, xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật liên quan, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế và xã hội, du lịch, giải trí thể thao văn hóa, vận tải và dịch vụ khác. Tuy nhiên, đi sâu vào từng phân ngành cụ thể, thì lại có các cam kết mở cửa hoàn toàn, như: kế toán, kiểm toán, thuế, kiến trức, quy hoạch đô thị...; mở cửa tương đối rộng, như: dịch vụ pháp lý, bảo dưỡng sửa chữa máy móc...; mở cửa hạn chế, như: khai thác mỏ, viễn thông, nghe nhìn, ngân hàng... và chưa mở cửa, như: in, truyền thông đại chúng, sàn giao dịch hàng hóa...

Về sự tương thích giữa các cam kết và pháp luật Việt Nam, thì có gần 85 nhóm dịch vụ đã tương thích, tức là đã mở bằng hoặc hơn so với mức độ cam kết quốc tế và khoảng 14 nhóm dịch vụ chưa tương thích, tức là đã mở dưới mức cam kết. Bên cạnh đó, còn có 22 nhóm dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và 32 nhóm dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không quy định riêng về điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam tương đối rộng

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, việc thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ theo các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, như: WTO, EVFTA... vô cùng khó khăn.

Theo bà Trang, nếu như thị trường hàng hóa chỉ cần ban hành các thông tư về biểu thuế để thực hiện cam kết, thì đối với dịch vụ không đơn giản như vậy. Nguyên do Việt Nam đã có cam kết trong 9 nhóm dịch vụ với khoảng 150 phân ngành, chưa nói đến các kiểu phân ngành. Cùng với đó là 1 hệ thống pháp luật đồ sộ về vấn đề này.

Cũng lo ngại về việc thực thi các cam kết này, ông Phạm Mạnh Dũng, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, các cam kết mở cửa về dịch vụ của Việt Nam tương đối rộng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí ngay cả cơ quan nhà nước cũng khó nắm bắt, bao quát được tất cả các ngành, lĩnh vực được phép mở cửa. Điều này dẫn đến việc thực hiện các cam kết mỗi lúc một khác, mỗi địa phương 1 khác, mỗi hoàn cảnh 1 khác, không có sự thống nhất.

Ví dụ như dịch vụ phát hành phim, thì có hình thức để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, đó là thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh, trong trường hợp liên doanh, thì quy định vốn đầu tư nước ngoài không được quá 51%. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều cách hiểu áp đặt là liên doanh được áp dụng là 51%, thì vốn nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng không được quá 51%.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Tương, Hiệp hội Dịch vụ Logistics cho cho rằng, việc rà soát về các cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ, nhằm hệ thống hóa các cam kết này đã giúp ích rất nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà quản lý có được cái nhìn đồng bộ hơn về chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, những cơ hội và thách thức về đầu tư, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Dựa theo kết quả rà soát, bà Trang kiến nghị, đối với những cam kết nào chưa tương thích với WTO, thì pháp luật Việt Nam cần sửa đổi để phù hợp và để mở cao hơn, đồng thời bổ sung danh mục cam kết áp dụng trực tiếp; những cam kết nào chưa tương thích với EVFTA hoặc TPP thì cần ban hành văn bản thực thi riêng và sửa đổi pháp luật Việt Nam cho phù hợp.

Bà Trang cũng nhấn mạnh, với nhóm pháp luật Việt Nam đã tương thích với các cam kết WTO, TPP và EVFTA thì cũng cần phải đảm bảo tính minh bạch, để làm sao việc mở cửa thị trường phải hợp lý, tránh sự thiên vị.

Giải pháp cho vấn đề này là sớm ban hành Danh mục cam kết để áp dụng trực tiếp; các văn bản thực thi cam kết TPP và EVFTA, cũng như các quy định trực tiếp theo pháp luật Việt Nam; đồng thời bổ sung quy định về quy trình áp dụng điều kiện đầu tư trong trường hợp không có cam kết hoặc pháp luật Việt Nam không có quy định. Có như vậy, mới giúp doanh nghiệp Việt Nam thực thi pháp luật một cách dễ dàng và thuận lợi./.

Kim Hiền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư